Không được dùng tiếng mẹ đẻ
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Canada (CBC), một nghiên cứu được công ty Nunavut Tunngavik thực hiện chỉ ra rằng, chính phủ Canada đang thực hiện một cuộc “diệt chủng văn hóa” đối với chương trình giảng dạy ngôn ngữ Inuktut ở khu vực lãnh thổ rộng lớn nhất đất nước Bắc Mỹ này.
Inuktut là tên gọi chung cho hệ ngôn ngữ của người Inuit, hay còn được biết đến với cái tên Eskimo, bao gồm tiếng Inuktitut, Inuinnaqtun và Inuvialuktun. Trong số đó, Inuktitut là ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu ở lãnh thổ Nunavut.
Trường nội trú cho trẻ bản địa (residential schools) là một vết nhơ lớn trong lịch sử thuộc địa của Canada. Với mục tiêu đồng hóa và kiểm soát, trẻ em thổ dân được đưa đến những trung tâm này phải học tiếng Anh và sinh hoạt theo lối sống phương Tây. Áp bức tinh thần và thể chất ở đó được coi là một ví dụ điển hình cho nạn diệt chủng văn hóa. Theo các bản báo cáo của chính phủ Canada, có khoảng 150.000 trẻ em bản địa đã được đưa vào các ngôi trường nội trú trên khắp lãnh thổ thuộc địa, hầu hết trong số đó là ép buộc.
Được thực hiện bởi 2 nhà ngôn ngữ học Tove Skutnabb-Kangas và Robert Philippson, với sự giúp đỡ của luật sư Robert Dunbar, nghiên cứu nhắm đến việc xác định những vấn đề trong công tác giảng dạy và sử dụng tiếng Inuktut. Theo báo cáo thống kê của Canada, cho dù ngôn ngữ Inuktut nhìn chung đã được sử dụng rộng rãi hơn như một ngôn ngữ thứ 2, sau tiếng Anh, thì số người sử dụng loại ngôn ngữ bản địa này như tiếng mẹ đẻ đã giảm sút trong hơn 20 năm qua và đang tiếp tục giảm ở Nunavut.
“Trẻ em Inuit được giáo dục phần lớn qua các ngôn ngữ chính thức (tiếng Anh và tiếng Pháp) thay vì bằng tiếng mẹ đẻ”, bà Aluki Kotierk, Chủ tịch của Nunavut Tunngavik, chia sẻ. “Theo Hiến pháp, đây có thể được coi là diệt chủng văn hóa”.
Cũng theo bà Kotierk, cho dù chính phủ Canada đã ban hành chương trình phổ cập song ngữ hoàn chỉnh cho Nunavut như một mục tiêu trong cam kết đối với vùng lãnh thổ này và không trực tiếp tác động vào sự giảm sút của ngôn ngữ bản địa, nhưng việc cắt giảm ngân sách vẫn là yếu tố then chốt đóng góp vào hiện tượng đáng lo ngại trên.
“Đây là một vấn đề mang tính hệ thống. Trong lịch sử, những trường nội trú dành cho trẻ em bản địa, trong đó có trẻ em Inuit, là nơi những đứa trẻ bị bắt học tiếng Anh và sống một lối sống khác biệt với tập tục của địa phương. Tôi cho rằng, đây là cách chính phủ đang tiếp tục tiếp cận vấn đề”, bà Kotierk lý giải.
|
Thiếu giáo viên bản địa
Nghiên cứu trên cho rằng, hệ thống giáo dục của Canada đang thất bại toàn diện trong việc hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ Inuktut. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua nguồn nhân lực của khu vực lãnh thổ phía Bắc. Bất chấp việc chính phủ ban hành và áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển, số người nói tiếng Inuktut vẫn suy giảm do nguyên nhân chính ở hệ thống giáo dục.
“Trên lý thuyết, sẽ rất khó để thấy được sự tiến bộ trong các kế hoạch nếu như các em không được trang bị kĩ năng ngôn ngữ thành thạo, trong một hệ thống giáo dục ổn định”, nghiên cứu nhận xét.
Nghiên cứu chỉ ra rằng tính đến năm 2016, có 11 trường trong khu vực này có đủ khả năng cung cấp giáo dục qua ngôn ngữ Inuktut tới lớp ba. Đây là hình thức giáo dục song ngữ, trong đó ngôn ngữ bản địa được sử dụng chính thức. Bảy trường có thể cung cấp giáo dục lên đến lớp bốn và một trường đến lớp năm. Khoảng cách trên chủ yếu là do sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên nói tiếng Inuktut.
David Joanasie, Bộ trưởng Giáo dục của khu vực, cho rằng việc phục hồi ngôn ngữ địa phương của vùng Nunavut đang trong quá trình thực hiện. “Đây không phải là việc một sớm một chiều. Cần phải có sự cam kết và ủng hộ của chính phủ, cũng như các tổ chức xã hội và các bên thứ ba”, ông Joanasie nói.
Vị bộ trưởng này cũng tuyên bố rằng một kế hoạch 10 năm đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào việc đào tạo và tuyển chọn giáo viên bộ môn tiếng Inuktut, đồng thời mở rộng những nguồn tài liệu liên quan đến chương trình giảng dạy môn này.
Tuy vậy, ông Joanasie cho rằng, trách nhiệm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ này không chỉ phụ thuộc vào ngành giáo dục. “Đó là công việc của tất cả chúng ta. Đối với những người sử dụng được tiếng Inuktut và muốn bảo tồn những giá trị văn hóa của mình, họ phải đứng lên và hành động. Đó cần phải là sự lựa chọn hàng ngày của mỗi người”. Ông cũng kêu gọi cộng đồng nói tiếng Inuktut liên hệ với chính phủ và các tổ chức liên quan, nhằm thúc đẩy và quảng bá các chương trình phục hồi ngôn ngữ địa phương.
Bà Kotierk, người trình bày bản báo cáo trước Diễn đàn Thường trực của Liên Hợp Quốc ở New York về vấn đề này hy vọng rằng, những phát hiện trong nghiên cứu trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của dư luận.