Hàn Quốc: Trẻ "đa văn hóa" hụt hơi với hệ thống trường công

Hàn Quốc: Trẻ "đa văn hóa" hụt hơi với hệ thống trường công

(GD&TĐ) - Ngôn từ duy nhất mà cậu bé người Trung Quốc 15 tuổi biết là những lời chào hỏi khi cậu đến Seoul mùa hè năm ngoái cùng với mẹ - một phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng thậm chí sau 6 tháng học tiếng Hàn tại một trường chuyên biệt dành cho trẻ đa chủng tộc, hòa nhập vào hệ thống trường học chính thức vẫn vô cùng khó khăn. Sau một thời gian ngắn vào học trường công gần nhà, cậu bé đã sớm phải chuyển về trường chuyên biệt.

Giống như hầu hết những trẻ em thuộc diện "đa chủng tộc" khác, cậu bị tụt hậu xa so với bạn bè trong lớp. Hạn chế ngôn ngữ khiến lực học giảm sút và gốc gác đa chủng tộc cũng khiến cơ hội giao tiếp trở nên nạn chế. "Thầy giáo nói rằng thằng bé toàn ngồi một chỗ và không mở miệng với ai" - mẹ cậu bé kể lại.

Hàn Quốc đang nhanh chóng trở thành một xã hội đa văn hóa, với sự tăng nhanh đa dạng chủng tộc và văn hóa và phản chiếu ngay trong các lớp học. Số liệu thống kê cho thấy hiện số học sinh tiểu học và trung học có nguồn gốc đa văn hóa tại Hàn Quốc là gần 48.000, gấp hơn 2 lần so với 3 năm trước. Phần lớn trong số đó rất khó hòa nhập vào lớp học chính thống. Có hơn 200 học sinh những gia đình đa văn hóa đã bỏ học trong năm học 2010 - 2011 bởi khó thích nghi.

Hàn Quốc: Trẻ "đa văn hóa" hụt hơi với hệ thống trường công ảnh 1
Trẻ em đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Philippines tham gia chương trình trường học tại gia

Cho tới gần đây, hầu hết trẻ đa văn hóa sinh tại Hàn Quốc là con phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn. Hiện nay, có sự gia tăng nhanh trẻ từ nước ngoài chuyển tới Hàn Quốc sau khi cha mẹ li dị, tái hôn và nhập cư. Rào cản ngôn ngữ là mối quan ngại lớn, đặc biệt với những trẻ đa sắc tộc sinh ở nước ngoài - theo Ryu Bang-ran, chuyên gia Viện Phát triển GD Hàn Quốc.

Số liệu của Bộ Tư pháp cho thấy có hơn 6.000 trẻ sinh ở nước ngoài đang ở tuổi đến trường, gấp gần 2 lần so với 1 năm trước. Gần 83%, khoảng 4.800 trẻ đến từ Trung Quốc. Hầu hết số trẻ này tới Hàn Quốc với vốn liếng tiếng Hàn rất hạn chế. Một nghiên cứu với 413 trẻ nhập cư mới tại tỉnh Gyeonggi cho thấy 1/3 coi ngôn ngữ là phần khó nhất của cuộc sống tại Hàn Quốc, tiếp theo mới là môi trường mới và kết bạn.

Không có số liệu về số trẻ ở tuổi đến trường đang học ngoài hệ thống giáo dục công lập, nhưng Ryu ước tính có hơn 6.100 trẻ đa sắp tộc hiện đang học "ngoài luồng". Thực tế đó cho thấy chính phủ đang chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu của đối tượng trẻ em này.

Theo Ryu thì Hàn Quốc nên học tập Mỹ, quốc gia có kinh nghiệm giải quyết vấn đề nhập cư. Tại Mỹ, Anh ngữ là chương trình ngôn ngữ thứ hai từ lâu đã được dạy trong hệ thống giáo dục công lập nhằm đáp ứng cho trẻ em nước ngoài tới Mỹ. Hiện chương trình này được giảng dạy tại toàn bộ các trường công lập từ nhà trẻ tới trung học.

Thực tế thì chính phủ Hàn Quốc cũng đang có những nỗ lực cụ thể khắc phục hiện trạng trên. Năm ngoái, ngành GD Hàn Quốc đã bắt đầu đưa vào giảng dạy các lớp dạy tiếng Hàn cho những trẻ em đa sắc tộc mới vào học, cho phép trang bị kiến thức ngôn ngữ cần thiết để tiếp thu chương trình GD chung. Tuy nhiên kế hoạch này đang có sự chững lại trong giai đoạn chuyển tiếp chính phủ kể từ cuộc bầu cử tổng thống. Chính phủ cũng cho biết đã tăng số trường "dự bị" nơi trẻ có thể học ngôn ngữ và văn hóa căn bản trước khi vào hệ thống trường công. Hiện có 26 trường dự bị dành cho trẻ đa sắc tộc trên cả nước, mỗi trường có năng lực tiếp nhận khoảng 60 - 90 học sinh. Theo kế hoạch sẽ có thêm 24 trường vào cuối năm nay nhưng dường đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Ví dụ tại Seoul, có 1.219 trẻ đa sắc tộc nhưng chỉ 68 trong đó được vào học trường dự bị tính đến tháng 4/2012.

Bảo Chi (Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.