Trong kỳ thi đại học mới nhất tại Hàn Quốc, máy bay phải thay đổi tuyến bay để giảm tiếng ồn, các ngân hàng, thị trường tài chính phải giao dịch muộn hơn thường lệ, xe buýt và tàu điện ngầm phải tăng chuyến… tất cả nhằm tạo ra giao thông thuận tiện và môi trường yên tĩnh cho 590.000 HS trung học tham gia kỳ thi kéo dài 9 giờ đồng hồ để vào ĐH.
Kỳ thi Suneung bao gồm các bài thi như Địa lý Hàn Quốc, đạo đức và tư tưởng, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới và vô số chủ đề khác. Đạt được điểm số cao không chỉ là minh chứng về khả năng học tập của HS mà nó còn được xem là dấu hiệu dường như xác định toàn bộ vận mệnh của Hàn Quốc.
Phụ huynh Hàn Quốc lo lắng trong khi chờ con thi |
HS bắt đầu ôn thi đại học từ lúc 13 hay 14 tuổi – năm đầu tiên khi mới vào trường trung học, tham dự các lớp học thêm và lò luyện thi hàng giờ mỗi ngày sau buổi học chính – và các em phải vùi đầu vào sách vở tới 16 tiếng mỗi ngày.
Nhiều người khát khao được vào các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc như: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Trong số hàng trăm ngàn thí sinh tham dự kỳ thi, chỉ có 2% được nhận vào học tại các trường danh tiếng trên – theo thông tin từ BBC.
HS Hàn Quốc căng thẳng ôn thi |
Theo một báo cáo tháng 1/2017 của Viện Giáo dục và Chăm sóc trẻ em Hàn Quốc, văn hóa học tập của nước này bắt đầu từ rất sớm. Hơn 83% trẻ 5 tuổi đều tham dự các chương trình học thêm hay còn gọi là hagwon, nhiều em tiếp tục theo học chương trình này trong suốt các năm học sau này của mình.
Áp lực trong giáo dục khiến tỷ lệ tự sát ở Hàn Quốc được xem là cao thứ 2 thế giới và cao nhất trong số 34 quốc gia công nghiệp trong Khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên Hàn Quốc, phần lớn là do áp lực của xã hội và gia đình liên quan tới học tập.