Phát triển nhưng ẩn chứa nguy cơ
Từ những năm 1960, Hàn Quốc nổi lên như một quốc gia tiêu biểu cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và giáo dục, không chỉ tại châu Á mà của cả thế giới. Sự phát triển lúc bấy giờ xuất phát từ việc chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách đầu tư đẩy mạnh kinh tế, xã hội dựa trên nền tảng giáo dục.
Chính những kế hoạch mang tính chiến lược, có tầm nhìn sâu rộng này đã giúp chuyển hóa cấu trúc kinh tế, nghề nghiệp, xã hội tại Hàn Quốc và cũng từ đó mang lại sức mạnh và tiềm lực cho quốc gia này. Điều này cũng khiến nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá Hàn Quốc là quốc gia của giáo dục và phát triển mạnh mẽ nhờ vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Truyền thống luôn đặt trọng tâm vào giáo dục trong đường lối phát triển vẫn được chính phủ Hàn Quốc duy trì cho đến ngày nay. Giáo dục đại học luôn được chú trọng đầu tư trong các chính sách phát triển của quốc gia này. Điều này cũng phần nào lý giải cho thành tích ấn tượng của Hàn Quốc trong các kỳ thi đánh giá chất lượng quốc tế.
Cụ thể trong kỳ thi PISA từ năm 2000 cho đến kỳ thi mới nhất 2017, các học sinh Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm 3 hoặc 5 quốc gia có điểm số cao nhất ở cả 3 bộ môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Đặc biệt ở bộ môn Toán, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm quốc gia có điểm số cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, thậm chí có nhiều năm nằm ở vị trí số 1.
Tuy nhiên, nếu đi vào phân tích chuyên sâu sẽ nhận thấy rất nhiều điểm yếu của giáo dục Hàn Quốc, mà nếu không khắc phục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ giáo dục mà cả cấu trúc xã hội của quốc gia này.
Theo đó, để có thể thi vào các trường đại học ở nhóm trên, tức các trường đại học uy tín hàng đầu quốc gia để có thể đảm bảo việc làm khi tốt nghiệp, không chỉ học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh phải bước vào một “cuộc chiến” học tập và thi cử vô cùng quyết liệt.
Do số lượng tuyển sinh các trường đại học danh tiếng, mà cụ thể là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei có hạn nên cuộc chạy đua để có một vị trí trong giảng đường của 3 trường đại học hàng đầu này là vô cùng khốc liệt, dẫn đến tình trạng Hàn Quốc trong những năm trở lại đây luôn là quốc gia có tỉ lệ học sinh tự tử vì áp lực học hành, thi cử cao nhất trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hay thậm chí là xét trên toàn thế giới.
Không chỉ vậy, tình trạng các gia đình Hàn Quốc căng thẳng vì chuyện học hành của con cái và dẫn đến tình trạng hôn nhân tan vỡ cũng gia tăng đáng kể trong một vài năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, xu hướng các cặp vợ chồng chỉ có một con để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của con cái cũng là một hiện trạng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội Hàn Quốc.
Điều này xuất phát từ việc để con em mình không thua thiệt so với những bạn bè, hay nói cách khác là những ứng cử viên cạnh tranh trực tiếp cho các suất tại các trường đại học danh tiếng, những bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để cho con tham gia những lớp học thêm ở trung tâm hay dạy kèm tại nhà.
Do nhu cầu học thêm tăng cao nên mức học phí dành cho các khóa học ngoài giờ này vô cùng đắt đỏ, thậm chí cao gấp nhiều lần so với tiền học phí chính quy tại trường. Điều này kéo theo việc hơn 50% các gia đình có thu nhập trung bình tại Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng suy giảm tài sản tích lũy, một số còn phải lâm vào cảnh nợ nần để có thể trang trải việc học cho con em mình.
Điều này làm cho các cặp vợ chồng trẻ tại Hàn Quốc ngày nay chỉ muốn có một hoặc nhiều nhất là hai con để có thể chạy theo được nhu cầu học thêm của con cái. Hiện trạng này đang khiến cho dân số Hàn Quốc ngày càng già đi và ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia này.
“Mặc dù sự cạnh tranh khốc liệt trong nền giáo dục Hàn Quốc đang mang lại cho quốc gia này những thế hệ cử nhân, kỹ sư có trình độ cao nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển giáo dục, xã hội tại quốc gia này như sự phát triển không đồng đều giữa các trường đại học, dân số trẻ suy giảm, tình trạng tự tử do cẳng thẳng kéo dài…”, David Santandreu Calonge, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc, cho biết.
“Cái bẫy danh tiếng”
Tại Hàn Quốc, áp lực thi cử không chỉ đơn thuần là việc tranh giành một suất vào trường đại học, mà còn là cuộc chiến để được vào bộ ba trường đại học hàng đầu quốc gia, với uy tín có thể nói là nổi tiếng khắp thế giới là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, hay còn được gọi tắt là nhóm đại học SKY.
Không chỉ nổi tiếng về chất lượng đào tạo, cử nhân tốt nghiệp của 3 trường đại học này luôn được săn đón bởi các tập đoàn danh tiếng hàng đầu của quốc gia. Người dân Hàn Quốc luôn mặc định rằng, khi bước chân vào ngôi trường này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ có một cuộc sống dễ dàng sau khi tốt nghiệp, sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất cho các vị trí trong bộ máy chính quyền hay nhóm 63 tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc.
Điều này khiến cuộc thi tuyển sinh đại học, với tên gọi Suneung, trở thành một cuộc chiến với áp lực và căng thẳng đè nặng lên vai của không chỉ các học sinh trung học mà cả với các phụ huynh, những người sẵn sàng chi một số tiền không nhỏ để con em mình tham gia vào những khóa học thêm hoặc học luyện thi đại học.
Theo thống kê không chính thức từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc, có hơn 80% học sinh trung học Hàn Quốc tham gia vào những khóa học này và số chi phí được chi cho các khóa học này lên đến 17 nghìn tỉ Won trong năm 2015.
Con số khổng lồ đầu tư cho các chương trình học thêm cũng là điều dễ hiểu khi nguyện vọng cho con em mình bước vào ngôi trường danh tiếng là rất lớn. Tuy nhiên với thực tế là nền kinh tế Hàn Quốc có nhiều biến động thì sự đầu tư mù quáng này đang khiến người dân rơi vào một “cái bẫy danh tiếng” trong giáo dục đại học.
Theo đó, do quá trình chuyên môn hóa và cơ giới hóa nâng cao nên các chaebols, tức các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, đã thắt chặt ngân sách tuyển dụng nhân sự, tiền lương. Bên cạnh đó, một số tập đoàn cũng bắt đầu chương trình mở rộng văn phòng tại nước ngoài nên nguồn nhân sự trong nước cũng rơi vào tình trạng cắt giảm.
Như vậy thì nhìn chung việc được tuyển dụng vào các tập đoàn này, dù là cử nhân tốt nghiệp nhóm đại học SKY, cũng không còn dễ dàng như trước đây.
“Vì thế mà tư tưởng vay mượn để cho con em mình học luyện thi để vào các trường danh tiếng và coi đó như là một hình thức đầu tư cho tương lai, khi mà con em họ sẽ được tuyển dụng vào các công ty tập đoàn lớn với thu nhập cao, sẽ hoàn toàn khiến họ thất vọng với hiện trạng kinh tế Hàn Quốc ngày nay. Đó chính là ‘cái bẫy danh tiếng’ vô cùng nguy hiểm mà hầu hết người dân Hàn Quốc dù có thể biết nhưng vẫn không thể thoát ra được”, Giáo sư Calonge cho biết.
Thoát khỏi “cái bẫy”
Đứng trước tình trạng khiến giáo dục đại học Hàn Quốc phát triển không đồng đều và tác động tiêu cực đến cấu trúc xã hội, dân số của quốc gia, chính phủ của Tổng thống Moon Jea In đã đề xuất thực hiện các chính sách nhằm giảm sức ảnh hưởng của các trường đại học danh tiếng, đặc biệt là nhóm trường SKY, không chỉ về chất lượng đào tạo mà còn là tầm quan trọng của nhóm này trong thị trường việc làm.
Đặc biệt, chính sách còn đặt mục tiêu sẽ tạo ra hơn 800.000 việc làm để khắc phục tình trạng thất nghiệp, từ đó xóa bỏ tư tưởng chỉ có tốt nghiệp từ SKY mới có khả năng tìm được việc làm trong tâm trí người dân Hàn Quốc.
Áp lực thi cử và học hành xuất hiện trong một nền giáo dục sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng đầu vào cũng như tạo ra những thế hệ cử nhân, kỹ sư với kiến thức và trình độ chuyên môn cao.
Tuy nhiên, một khi sự cạnh tranh trở nên quá gay gắt và có sự xuất hiện của một nhóm trường có tầm ảnh hưởng quá lớn sẽ khiến nền giáo dục đại học quốc gia gặp phải các tác động tiêu cực, gây ra hậu quả không chỉ với con đường học tập của học sinh mà còn dẫn đến những hệ lụy về kinh tế, cấu trúc dân số, xã hội.
Đây là điều không chỉ Hàn Quốc mà những quốc gia quá đặt nặng việc thi cử như Trung Quốc, Hong Kong cũng đang gặp phải. Nếu không có định hướng và kế hoạch cân bằng trong giáo dục đại học thì những hậu quả trong tương lai sẽ rất khó lường.