Theo luật mới này, quấy rối nơi làm việc được định nghĩa là hành vi gây ra đau khổ về thể chất hoặc tinh thần hoặc làm xấu đi môi trường làm việc của người sử dụng lao động hoặc người lao động sử dụng địa vị hoặc quyền lực của họ để hành xử vượt quá phạm vi của các quy tắc làm việc.
Hàn Quốc đã thực hiện cuộc vận động ngăn chặn nạn "gapjil". Ảnh: Brandinginasia.
Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ Hàn Quốc cho thấy 2/3 số nhân viên đã bị quấy rối tại nơi làm việc, trong khi 80% đã chứng kiến điều đó.
Nếu nhận được báo cáo xảy ra quấy rối nơi làm việc, người sử dụng lao động cần phải điều tra ngay lập tức và có hành động đúng đắn, chẳng hạn như ngăn nạn nhân làm việc với thủ phạm ở cùng một nơi.
Nếu các biện pháp trả đũa hoặc phân biệt đối xử được thực hiện đối với nạn nhân hoặc những người báo cáo hành vi ngược đãi, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với án tù tối đa 3 năm và phạt tiền lên tới 30 triệu won (khoảng 25.000 USD).
Thế nhưng, điều đáng nói là, luật pháp chưa quy định hình phạt dành cho thủ phạm.
Một luật khác, cũng có hiệu lực ngày 16-7, khẳng định tình trạng căng thẳng do bắt nạt tại nơi làm việc là đối tượng của các quy định về tai nạn công nghiệp và bồi thường.
Luật chống bắt nạt được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ nạn "gapjil" nơi làm việc - tức hành vi ngược đãi của những người ở vị trí quyền lực đối với những người dưới quyền.
Cùng ngày, 7 phóng viên hợp đồng tại đài truyền hình công cộng MBC đã đệ đơn lên Bộ Lao động cho rằng MBC đã vi phạm luật chống bắt nạt nơi làm việc.
Họ trở thành những nhân viên đầu tiên yêu cầu chính phủ xem xét vụ việc kể từ khi luật được thi hành.