"Thuận thiên" để thích ứng, sống chung với hạn mặn

GD&TĐ - Hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế và trở thành câu chuyện bình thường trong đời sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nghị quyết “thuận thiên” (Nghị quyết 120) cho ĐBSCL đã khuyến khích cách tiếp cận thích nghi với hiểm họa tự nhiên và chuyển đổi dần dần, tránh những can thiệp thô bạo để phải trả giá đắt.

Tình hình hạn mặn, lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, dân số khoảng 20 triệu người, đóng góp 20% GDP cả nước. Đây cũng là nơi đứng thứ 2 trên cả nước về cung cấp sản lượng gạo phục vụ nhu cầu người dân trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ đầu năm đến nay, người dân khu vực này liên tục phải đối mặt với nắng gay gắt. Chỉ riêng trong tháng 4/2021, hạn hán và xâm nhập mặn khu vực này đã lên đến đỉnh điểm khiến 1,8 triệu ha diện tích đất bị nhiễm mặn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, các địa phương ven biển trong vùng ÐBSCL cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng; đề phòng khả năng thiếu nước cho khoảng 40.000ha vườn cây ăn trái (trong đó Tiền Giang khoảng 19.000ha, Bến Tre 15.000ha, Vĩnh Long 1.800ha, Sóc Trăng 3.400ha) và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh...

Đơn vị này cho rằng nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2020 - 2021 là do thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công trong mùa lũ năm vừa qua.

Đối với tình hình lũ năm 2021 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2021 tại đầu nguồn sông Cửu Long (trạm Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang) dao động ở mức báo động 1 và xuất hiện muộn (khoảng giữa tháng 10/2021); mực nước đỉnh lũ các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long.

Gần đây bão đã bắt đầu trở thành một vấn nạn. Theo nghiên cứu dự báo của Tổ chức Oxfam, nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt rất nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu. Có thể kể đến như:

  1. Đến khoảng năm 2100, mực nước biển có thể dâng lên trong khoảng 30cm đến 1m. Nhiều khả năng nước biển sẽ dâng lên mức 1m hơn, lúc đó thì 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập lụt hàng năm.
  2. Đến năm 2030, khả năng nước biển dâng có thể làm cho khoảng 45% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn hoàn toàn và mùa vụ bị thiệt hại do lũ lụt.
  3. Lưu lượng nước vào mùa khô của sông Cửu Long được dự đoán sẽ giảm đi từ 2 - 4% vào năm 2070, đây là một yếu tố khác góp phần vào hiện tượng nhiễm mặn và thiếu nước.
  4. Suy giảm năng suất mùa vụ có thể làm ảnh hưởng tới vụ lúa xuân dự đoán sẽ giảm 8% vào năm 2070.

Việc phân tích và nhận biết được những nguy cơ biến đổi khí hậu đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp các địa phương chủ động những kế hoạch và phương án ứng phó hợp lý, giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với biến đối khí hậu.

Nghị quyết 120 của Chính phủ - kim chỉ nam để chủ động thích ứng

Hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế. Bởi vậy, chính quyền và người dân các tỉnh phải cố gắng thích ứng, từ nay phải coi là câu chuyện bình thường trong đời sống của người dân ĐBSCL.

Nghị quyết “thuận thiên” (Nghị quyết 120) được cho là kim chỉ nam, tạo nguồn cảm hứng để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả nhất, với nhiều mô hình, sáng kiến mới giúp ĐBSCL phát triển toàn diện và bền vững.

Nhiều hộ gia đình ở các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng mô hình “tôm-lúa” để thích nghi với tự nhiên. Ảnh Đình Tuyển
Nhiều hộ gia đình ở các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng mô hình “tôm-lúa” để thích nghi với tự nhiên. Ảnh Đình Tuyển

Thực tế qua bao nhiêu năm, người dân trong vùng ĐBSCL hiểu rằng cần thích nghi với tự nhiên để sống và trồng lúa không còn là sinh kế duy nhất.

Không chỉ mô hình “trái mùa nghịch vụ”, từ vài năm nay, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng mô hình “tôm-lúa”, sử dụng các giống lúa chịu mặn xen kẽ với thả tôm sú, tôm thẻ trên cùng thửa nước.

Điều này đã đem lại hàng trăm tỷ đồng thu nhập mỗi năm cho các hộ gia đình. Các mô hình tương tự “lúa - cá”, “lúa - sen - du lịch” cũng được triển khai ở nhiều nơi và đang tăng quy mô.

Một số trang trại, vườn cây đã chủ động lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để giảm lãng phí nước trong mùa khô. Điều quan trọng, nhiều hộ đã chuyển từ việc nuôi trồng lấy năng suất sang nuôi trồng tạo giá trị, làm ít hơn nhưng có chất lượng hơn để bán giá gấp đôi gấp ba, đồng thời dấn thân vào các chuỗi giá trị một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, trả lời với báo chí, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, chính sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã giúp cho việc chống hạn mặn đạt kết quả tốt hơn.

“Từ phương châm hành động của Chính phủ, tôi muốn nhấn mạnh vào vai trò của Chính phủ đóng góp là người kiến tạo trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, với việc tập trung thực hiện các dự án mang tính ‘hạt giống’ tạo hành lang, sân chơi cho các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư cho vùng với sự tham gia của cả người dân.

Điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bởi vì phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự tham gia đầy đủ, đúng vai trò của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, ông Cường chia sẻ.

Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành cách đây 3 năm là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL.

Chương trình tổng thể của Nghị quyết 120 cũng đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù cho vùng như thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu về lập quy hoạch; ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…

Ngoài ra, ĐBSCL được coi là thể thống nhất, từ đó triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng như công tác quy hoạch, công tác dự báo, cảnh báo cho tổng thể vùng; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn vùng. Từ đó góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau”.

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ