Thiệt hại kép vì hạn, mặn!
Còn khoảng 1 tuần nữa đến mùa thu hoạch lúa, nhưng nhiều lão nông ở huyện Càng Long, Tiểu Cần (Trà Vinh) kém vui. Nguyên do là vụ lúa Đông Xuân năm nay thất mùa, đa phần diện tích lúa bị khô héo, bông lúa lép, không kết hạt.
Nguyên nhân chính là do hạn, mặn! Đây không chỉ là nỗi buồn của riêng nông dân ở Trà Vinh mà nhiều nơi người dân điêu đứng vì hạn, mặn. Tính từ cửa biển, nước mặn đã xâm nhập theo đường sông vào sâu trong đất liền có nơi đến 100km.
“Còn khoảng 1 tuần nữa thu hoạch lúa nhưng chúng tôi biết trước là vụ này bị thất mùa, thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân là từ khi xuống giống đã gặp hạn, phải bơm nước liên tục, đến lúc trổ bông thì nước bị nhiễm mặn. Hậu quả là một phần diện tích lúa bị khô héo, một phần sống sót nhưng không trổ bông hoặc không kết hạt. Tình cảnh này nông dân chúng tôi phải nợ lại tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật!”, ông Nguyễn Văn Trúc, ở huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết.
Đến thời điểm cuối tháng 2/2020, dù chưa đến đỉnh điểm của hạn, mặn nhưng nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Tại huyện U Minh (Cà Mau), hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Ở tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng gặp cảnh tương tự, đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ, nông dân phải bỏ ruộng.
Các địa phương ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang tình hình cũng không khá hơn, nhất là tỉnh Bến Tre mặn đã xâm nhập hầu như toàn tỉnh. Hàng nghìn ha lúa đang có nguy cơ mất trắng cùng với gần 80.000 người dân nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt.
Nguy cơ về hạn, mặn còn hiện diện khi tình trạng sụt lún đất, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây địa bàn ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là do khô hạn, mực nước kênh hạ xuống thấp, gây áp lực lên thân đê dẫn đến sụt lún... Từ đầu mùa khô đến nay, vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 900 vụ sụt lún, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dòng chảy trên sông Me Kong về ĐBSCL trong nửa cuối tháng 2/2020 và tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 - 20%.
Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh).
Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long tiếp tục diễn ra trong 3/2020. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao trong tháng 3 và 4/2020. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Lo ngại nhất là tình trạng hạn, mặn kéo dài và sâu hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đê bao chưa khép kín, ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây ăn trái và nguồn nước sinh hoạt người dân. Mặc dù cơ quan chức năng chủ động triển khai nhiều biện pháp vận hành hệ thống cống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt nhưng do nước mặn năm nay xuất hiện sớm và xâm nhập nhanh vào sông rạch, kênh mương thủy lợi từ 60 - 70km với độ mặn từ 3 - 10 ‰ đã thấm vào nội đồng và vùng ngọt hóa.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), năm nay hạn, mặn gay gắt, xâm nhập sâu và mức ảnh hưởng lớn hơn năm 2015 - 2016 (trận hạn, mặn lịch sử trong 100 năm qua).
Năm 2016 là năm bị thiệt hại nhiều nhưng rút ra bài học, chính bài học đó giúp cho thiệt hại năm 2020 dù cho hạn mặn gay gắt hơn nhưng thiệt hại ít hơn, chỉ còn vấn đề nước sinh hoạt. Tuy nhiên, vấn đề này các địa phương đã nghĩ đến và chủ động chuẩn bị từ sớm.
Đối với tình trạng hạn mặn khốc liệt ảnh hưởng đến ĐBSCL hiện nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, trước mắt cố gắng giữ lượng nước còn lại, đồng thời dừng lấy nước cứu lúa (diện tích đang thiệt hại do thiếu nước) để dành đó phục vụ sinh hoạt và cho gia súc. Về lâu dài, cần tiết kiệm nước là chính, đồng thời các địa phương vùng ven biển nên giảm lúa càng nhiều càng tốt, chuyển sang lúa tôm và cây khác có giá trị, thay vì cứ “ôm” cây lúa như hiện nay…
Người dân bơm nước ngọt, trữ nước trong mùa hạn, mặn. |
Thích ứng theo hướng “thuận thiên”
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu nói chung và hạn, mặn nói riêng, vùng ĐBSCL cần phải quán triệt theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết, về lâu dài thì chiến lược chung cho vùng là cần theo tinh thần thuận tự nhiên của Nghị quyết 120. Đối với những vùng mặn, được “cơi nới” hay “ngọt hóa” nhờ công trình thì rất dễ bị tổn thương vào những năm cực đoan, vì những vùng này bản chất là đất mặn. Do đó vào những năm thiếu nước thì những vùng này không thể nào duy trì ngọt được…
Nghị quyết 120 đã nêu rõ chiến lược xoay trục ưu tiên sang thủy sản và xem nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Như vậy, không nhất thiết phải tiếp tục thâm canh lúa theo số tấn nữa mà tập trung vào chất lượng để nâng giá trị. Cụ thể, đối với vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nên giảm lúa vụ ba.
Nhà nước nên hỗ trợ người dân thực hiện sinh kế khác tận dụng lợi thế mùa lũ và hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị và xúc tiến tìm thị trường cao cấp hơn cho hai vụ lúa gạo còn lại. Đối với vùng ven biển nên dần chuyển đổi thích ứng và tận dụng lợi thế của mặn. Tất cả những chuyển đổi này, cần sự giúp đỡ của Chính phủ về nguồn lực, kỹ thuật và chính sách.
Thực tế, thích ứng theo cách “thuận thiên” đã phát huy hiệu quả, đơn cử như nông dân ở cù lao Hòa Minh, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) sống khỏe trong mùa hạn, mặn. Theo đó, vào 6 tháng nước mặn người dân nuôi tôm cua, còn 6 tháng nước ngọt trồng lúa sạch.
Người dân phải chở nước ngọt về sử dụng trong mùa hạn, mặn. |
Người dân coi nước mặn như một tài nguyên và tận dụng để làm giàu. Một số hộ dân còn làm du lịch nông nghiệp, tận dụng lợi thế sản xuất thuận thiên để thu hút du khách trải nghiệm. Nhà nông giờ vừa làm nông nghiệp, vừa phục vụ du khách trải nghiệm câu cua, câu cá.
Nếu khách có nhu cầu ăn uống tại chỗ hay mua về nhà đều được phục vụ tận tình. Tại cù lao này cũng từng đắp đê bao, ngăn mặn để trồng lúa quanh năm nhưng không hiệu quả. Sau đó địa phương tiến hành bỏ đê bao, cho nước mặn vào thuận theo tự nhiên.
Từ đó, đời sống người dân đã khá lên rõ rệt, nhà tường mọc lên san sát thay thế dần nhà lá. Năm 2019, toàn xã sản xuất 3.586 tấn lúa sạch, hơn 3.566 tấn thủy sản. Xã có 3.316 hộ với hơn 14.177 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47,7 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt là thu thuế đạt trên 2 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều xã khác trong đất liền.
Theo các chuyên gia, các giải pháp “thuận thiên” cần được ưu tiên thực hiện cùng với sự vào cuộc của Trung ương, các địa phương, nhà khoa học và nhà nông. Theo TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cần xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển.
Việc đầu tiên là cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất. Cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu…
Việc cần làm hiện nay là rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Về sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch” (chuyển lịch thời vụ để né hạn, mặn; sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất).
Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi trọng điểm cũng đang được đầu tư quyết liệt để đảm bảo sinh kế và đời sống người dân. Từ đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT đã đưa 5 công trình thủy lợi ở ĐBSCL vào vận hành.
Các công trình này đã kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha. Thời gian tới, một số dự án, công trình thủy lợi được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn như Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên…
Các địa phương như tỉnh Bến Tre trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước tại tỉnh để đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân. Ngành chức năng khuyến cáo người dân tích cực trữ nước ngọt trong các kênh mương, đảm bảo đủ cung cấp cho cây lúa đến giai đoạn trổ đòng và tưới vườn cây ăn trái; đồng thời kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng ruộng...