Tăng số lượng lao động có kỹ năng phù hợp
Đề án sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động để phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.
Đồng thời kết nối các thị trường lao động trong nước, kết nối với thị trường lao động của các nước khu vực và trên thế giới.
Theo đó, Đề án đề xuất các chỉ tiêu cụ thể, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030, các chỉ tiêu của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Các chỉ tiêu trọng tâm gồm: Tăng đáng kể số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp;
Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật và thù lao ngang bằng đối với các loại công việc như nhau;
Giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo, chủ động thực hiện hiệu quả Hiệp ước việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO);
Bảo vệ quyền lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động làm trong khu vực phi chính thức; Hình thành và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia có sự chia sẻ thông tin, dữ liệu liên thông trên toàn quốc và giữa các vùng, các quốc gia.
Nội dung hỗ trợ phát triển thị trường lao động của đề án tập trung vào các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động, phát triển việc làm, kết nối cung cầu lao động và vấn đề quản trị, vận hành thị trường lao động.
Hoàn thiện khung pháp lý và tập trung hướng nghiệp
Theo Ban soạn thảo, Đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030 bao gồm các nhóm giải pháp về định hướng phát triển và hoàn thiện khung pháp lý; hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động; hỗ trợ phát triển kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối liên thông thị trường lao động.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định phát triển cung cầu lao động, các quy định đối với các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, quy định về vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực thị trường lao động.
Nghiên cứu và tham gia các tiêu chuẩn, công ước quốc tế về lao động, việc làm để làm cơ sở đánh giá, hoàn thiện và phát triển thị trường lao động theo các chuẩn quốc tế…
Xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ nâng cao kỹ năng lao động đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.
Khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đào tạo thực sự gắn với nhu cầu sử dụng lao động.
Tập trung hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho các học sinh, sinh viên ngay khi còn đang học trong trường học hoặc các cơ sở đào tạo khác, để học sinh và gia đình xác định được năng lực và định hướng về nghề nghiệp của bản thân, hạn chế lãng phí trong đào tạo, sự dụng nguồn nhân lực đồng thời phát huy được các điểm mạnh của người lao động.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao...