Hai máy bay trực thăng Mitsubishi SH-60K của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đang thực hiện bài tập huấn luyện chống tàu ngầm vào tối ngày 20/4/2024 gần quần đảo Izu xa xôi, cách Tokyo khoảng 500 km về phía nam thì gặp nạn.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin, một chiếc trực thăng bị mất liên lạc vào khoảng 22h38 (giờ địa phương) và quân nhân mất liên lạc với chiếc trực thăng thứ hai khoảng 25 phút sau đó.
“Lực lượng cứu hộ được điều động tới hiện trường đã phát hiện những gì được cho là một phần của máy bay trên biển, và chúng tôi tin rằng, hai chiếc trực thăng đã bị rơi”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói với các phóng viên hôm 21/4/2024.
Trong cuộc họp báo tiếp theo, Bộ trưởng xác nhận thi thể của một thành viên phi hành đoàn đã được tìm thấy và bảy người còn lại vẫn mất tích.
“Đoạn ghi chuyến bay đang được phân tích”, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) Ryo Sakai nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng, phi hành đoàn của chiếc trực thăng thứ ba tham gia cuộc tập trận đang được phỏng vấn.
Vụ tai nạn xảy ra chỉ hơn một năm sau khi một chiếc trực thăng UH-60JA do Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản vận hành bị rơi ngoài khơi đảo Miyako, nằm giữa đảo Okinawa của Nhật Bản và Đài Loan.
Mười binh sĩ thiệt mạng trong vụ tai nạn, và đến thời điểm hiện tại, các nhà điều tra vẫn chưa tìm ra nguyên nhân liệu chiếc trực thăng lao xuống biển do trục trặc kỹ thuật hay do lỗi của phi công.
Lực lượng Mỹ ở Nhật Bản cũng hứng chịu một loạt vụ tai nạn máy bay trong những năm gần đây.
Tám thành viên phi hành đoàn Mỹ đã thiệt mạng khi máy bay V-22 Osprey cánh quạt nghiêng của họ rơi ngoài khơi đảo Yakushima vào tháng 12/2023, và 5 người bị thương khi một chiếc Osprey hạ cánh xuống một rạn san hô ngoài khơi Okinawa vào năm 2016.
Ngoài hai vụ tai nạn ở Nhật Bản, Mỹ đã mất 11 chiếc Osprey do tai nạn và trục trặc kể từ năm 2007.