Đề án tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải
Ngày 22/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.
Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.
Đề án sẽ thực hiện tái cơ cấu 6 lĩnh vực, bao gồm:
Lĩnh vực đường bộ, đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 54,4%, vận tải hành khách đường bộ đạt khoảng 93,22% so với khối lượng vận tải toàn ngành. Phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên vận tải công cộng.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600 km và đến năm 2020 hoàn thành 2.000 km đường cao tốc. Đầu tư nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ hoàn thành trước năm 2016.
Về lĩnh vực đường sắt, tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình, vận tải hành khách cự ly trung bình và hành khách công cộng tại các thành phố lớn.
Đẩy nhanh quá trình tách quản lý hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo hướng tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có.
Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp. Nghiên cứu xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội; Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội Đồng Đăng; Biên Hòa - Vũng Tầu, Sài Gòn - Cần Thơ, đường sắt nối cảng biển Hải Phòng - Lạch Huyện; đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng biển; đường sắt kết nối xuyên Á.
Lĩnh vực đường thủy nội địa, đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy nội địa đạt khoảng 32,38%, vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành.
Tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng Sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình.
Lĩnh vực hàng hải, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển quốc gia từ 25-30%. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển đạt khoảng 21,25%, đáp ứng khoảng 94,3% thị phần vận tải hàng hóa quốc tế và khoảng 8,55% thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh nội địa.
Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại và có phương án khai thác hiệu quả các khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Lĩnh vực hàng không, tái cơ cấu vận tải hàng không theo hướng nâng thị phần hàng không giá rẻ; tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới.
Tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế lên khoảng 45,86%. Phát huy thế mạnh thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc, châu Đại Dương; thúc đẩy kết nối vận tải hàng không đến khu vực Nam Á, các nước Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ); mở thêm các đường bay đến châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh và châu Phi.
Ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành.
Thực hiện cổ phần hóa công ty Mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong năm 2014, trong đó nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ và giữ cổ phần chi phối từ 65-75%.
Về giao thông địa phương, đối với giao thông vận tải đô thị, phấn đấu quỹ đất giành cho giao thông đô thị từ 16-26%, tập trung phát triển hệ thống xe buýt, các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn và tăng cường kiểm soát các phương tiện xe máy, xe ô tô con cá nhân, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với giao thông địa phương, duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm.
Lắp ráp ô tô của một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam -Ảnh minh họa: Quốc Hùng |
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dụng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp kinh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa; dự kiến sản lượng xe; dự kiến xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng, cụ thể như sau:
Về dự kiến tỷ trọng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với tổng nhu cầu nội địa: Xe ô tô đến 9 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 60%; đến năm 2025 chiếm 65% và đến năm 2030 chiếm 70%.
Xe ô tô trên 10 chỗ ngồi đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 90% và đến 2030 chiếm 92%. Xe ô tô tải đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 78% và đến năm 2030 chiếm 80%. Xe chuyên dùng đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 15% và đến năm 2030 chiếm 20%.
Về dự kiến sản lượng xe, dự kiến đến năm 2020 đạt hơn 227.000 chiếc; đến năm 2025 là hơn 466.000 chiếc và đến năm 2030 là gần 863.000 chiếc (trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi hơn 452.000 chiếc, ô tô tải hơn 356.000 chiếc).
Về dự kiến xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng, dự kiến đến 2020 xuất khẩu 20.000 chiếc và đến 2030 xuất khẩu 30.000 chiếc; xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đến năm 2020 đạt 4 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD.
Về công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô.
Phấn đấu đáp ứng 30-40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ô tô thế giới.
Đến giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo cung ứng 40-45% và đến giai đoạn 2026 – 2030 đảm bảo cung ứng trên 50% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước; phấn đấu trở thành nơi cung cấp quan trọng một số loại kinh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới.
Về giải pháp chính sách, Đề án định hướng áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất đối với các dự án sản xuất xe thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc được áp dụng ổn định chính sách tín dụng xuất khẩu; được hưởng các chế độ ưu đãi của Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia, ưu đãi theo Chương trình cơ khí trọng điểm; dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất thấp.
Đối với khu vực tiêu dùng, Đề án yêu cầu rà soát, điều chỉnh chính sách thuế, phí theo hướng tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô để đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của nền kinh tế và của người dân, đồng bộ với phát triển của hạ tầng giao thông và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo đó sẽ áp dụng mức thuế thấp nhất đối với các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn từ 16 đến dưới 24 chỗ; áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với các loại xe thân thiện với môi trường; áp dụng mức thuế suất cao nhất đối với các loại xe chở người đến 9 chỗ, có dung tích động cơ trên 3.0 lít đồng thời ban hành phí môi trường cao đối với xe có dung tích động cơ trên 3.0 lít.
Đề án yêu cầu thực hiện nhất quán hệ thống chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập, tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất.