Vào ngày 16 tháng 5 năm 2025, các phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin về việc Đức đang cân nhắc mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ để trang bị cho Hải quân nước này như một phần của chương trình hiện đại hóa hạm đội.
Theo tạp chí Naval News, sự quan tâm của Berlin đối với loại vũ khí này là do nhu cầu chống lại mọi mối đe dọa trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Baltic và sự tăng cường hiện diện quân sự của Moskva.
Nếu thỏa thuận được thông qua, Đức sẽ trở thành quốc gia thứ năm sở hữu tên lửa Tomahawk - vũ khí mà trước đây Hoa Kỳ chủ yếu cung cấp cho đồng minh thân cận nhất của mình là Anh, cũng như Australia, Canada và Hà Lan.
Được phát triển vào những năm 1970 và nâng cấp lên phiên bản Block V, tên lửa Tomahawk được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên mặt đất ở tầm xa lên tới 1.600 km với độ chính xác cao.
Chúng được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh và đầu đạn xuyên phá. Độ chuẩn xác đạt được nhờ hệ thống định vị GPS, dẫn đường quán tính và lập bản đồ địa hình.
Tên lửa có thể được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm thông qua ống phóng thẳng đứng Mk 41, giúp chúng tương thích với các khinh hạm F127 mới mà Đức có kế hoạch đưa vào sử dụng từ năm 2035.

Lớp khinh hạm F127, dựa trên thiết kế MEKO A-400 AMD của ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS), sẽ tạo thành xương sống cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Hải quân Đức.
Tờ Naval News đưa tin, mỗi tàu sẽ được trang bị 64 ống phóng thẳng đứng Mk 41 có khả năng mang tên lửa SM-2 và SM-6 để phòng thủ chống lại các mối đe dọa trên không và đạn đạo, cũng như tên lửa Tomahawk để tấn công mục tiêu trên bộ.
Chương trình dự kiến sẽ đóng 6 khinh hạm với tổng chi phí khoảng 15 tỷ euro, trở thành một trong những tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Đức. Vào tháng 12 năm 2024, Bundestag (Quốc hội Đức) đã phê duyệt khoản tài trợ ban đầu và việc chế tạo có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2025 nếu Tập đoàn TKMS thắng thầu.
Sự quan tâm đến Tomahawk là một phần trong kế hoạch chiến lược của Hải quân Đức, được nêu trong tài liệu "Kurs Marine", trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu "tấn công sâu" để phá hủy các mục tiêu quân sự.
Phó Đô đốc Jan Christian Kaak - Tư lệnh Hải quân Đức khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin rằng "triển vọng tích hợp Tomahawk có vẻ đầy hứa hẹn", đặc biệt là đối với các khinh hạm F124 và F123, vốn đã được trang bị bệ phóng Mk 41 trong cấu hình tấn công.
Việc đưa loại tên lửa hành trình tối tân này vào sử dụng sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Đức trong NATO, cho phép thực hiện các hoạt động tác chiến tầm xa và tương tác với hạm đội của Hoa Kỳ.