Hai phụ nữ quyền lực của gia tộc lãnh đạo Triều Tiên

Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục xuất hiện trước công chúng, thậm chí còn được thăng chức cao, trong khi cô của ông lại từng là người phụ nữ quyền lực bậc nhất ở Bình Nhưỡng.

Hai phụ nữ quyền lực của gia tộc lãnh đạo Triều Tiên

"Công chúa" họ Kim

kim1-8128-1417059192-3075-1417233650.jpg

Kim Yo Jong, áo xanh, đi cùng anh trai Kim Jong-un, đến tham quan xưởng phim hoạt hình ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA Watch

Kim Yo-jong, 27 tuổi, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 27/11 được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao thuộc đảng Lao động cầm quyền, Reuters dẫn thông tin từ cơ quan thông tấn nhà nước Triều Tiên cho biết. Điều này củng cố thêm những suy đoán cho rằng cô đang tiến gần hơn tới trung tâm quyền lực ở Bình Nhưỡng.

Cô Kim được giới thiệu là phó chủ tịch một ban thuộc Ủy ban Thường vụ Trung ương, phụ trách việc đưa ra những thông điệp về tư tưởng thông qua các phương tiện tuyên truyền, nghệ thuật và văn hóa.

Một nhóm người bỏ trốn khỏi Triều Tiên trước đó cũng cho hay, cô Kim có thể vươn tới những vị trí cao hơn trong bộ máy nhà nước trong thời gian ông Kim Jong-un vắng mặt hơn một tháng.

Quyền lực của Kim Yo-jong có thể sánh ngang với một thủ tướng, tờ Joong Ang Ilbo của Hàn Quốc hồi tháng 4 dẫn lời một nguồn tin tình báo giấu tên nhận xét.

Truyền thông Triều Tiên thường xuyên đưa tin và hình ảnh về cô Kim từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền cuối năm 2011, sau cái chết của người cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Năm 2012, ông Kim tham dự lễ khai mạc một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng, cô Kim Yo-jong được thấy đi lại giữa các vị trí khác nhau trong hàng ngũ cán bộ đảng và tướng lĩnh để sắp xếp và chỉ đạo việc cổ động. Dường như cô là người dàn dựng các tiết mục cho sự kiện.

Cô Kim kể từ đó xuất hiện thêm nhiều lần nữa bên cạnh anh trai, khi thì vui cười trong các buổi hòa nhạc, lúc lại đích thân trao thưởng cho các phi công lái máy bay chiến đấu.

Thực tế là phụ nữ ở Triều Tiên hiếm khi có cơ hội nắm giữ những chức vụ cao trong bộ máy chính phủ hay quân đội. Đàn ông Triều Tiên thường đảm nhận vai trò này. 

Tuy nhiên, đối với Kim Yo-jong, chỉ cần cái tên của cô cùng với sự gần gũi với lãnh đạo Kim Jong-un cũng đủ vượt qua mọi quy chuẩn của xã hội, Reuters bình luận.

"Những người với danh nghĩa cấp trên hầu hết cũng phải nghe theo lời cô ấy", Michael Madden, chuyên gia về hệ thống lãnh đạo của Triều Tiên, nhận định.

Theo trang tin tức Mashable, Kim Yo-jong là con út của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cùng vợ là bà Ko Yong-hui. Kim Jong-un là con thứ, sau anh trai đầu là Kim Jong-chol.

Năm 1996, Yo-jong sang Berne, Thụy Sĩ, sống cùng các anh trai và học tiểu học tại đây dưới cái tên "Kim Yo"ng-sun". Hình ảnh video do bạn bè quay lại từng cho thấy Yo-jong và Jong-un trong một buổi biểu diễn ở trường. Bà Kim Yong-hui và những người thân trong gia đình thường xuyên sang thăm các con.

Trong cuốn hồi ký của Kenji Fujimoto, người có 13 năm làm đầu bếp sushi cho cố lãnh đạo Kim Jong-il, ông gọi Yong-hui là "công chúa" và Jong-un là "hoàng tử". Ông cho biết hai người rất được cha yêu quý, cô Yo-jong thường ngồi cạnh ông Kim Jong-il trong các bữa tối.

Sự biến mất bí ẩn

ba-kim-3021-1417233650.jpg

Bà Kim Kyong-hui, cô ruột lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Khi ông Kim Jong-il điều hành đất nước, em gái ông là bà Kim Kyong-hui cũng giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền và quân đội, thường xuyên hiện diện trong các nghi lễ trọng đại, phiên họp của nhà nước. 

Nhưng sau khi chồng bà, ông Jang Song-thaek, trước đây được biết đến với tư cách người quyền lực thứ hai ở Bình Nhưỡng, bị xử tử, với tội danh phản quốc vào năm ngoái, chưa một lần bà Kim xuất hiện trực tiếp trước công chúng.

Theo Washington Post, bà Kim Kyong-hui từng là nhân vật nữ nổi bật nhất ở Triều Tiên. Việc bà không xuất hiện trong thời gian quá lâu khiến nhiều tin đồn bắt đầu lan truyền. 

Vài nguồn tin cho rằng bà và chồng bị cách ly từ lâu, đồng thời, bà vẫn được cháu trai, lãnh đạo Kim Jong-un, yêu quý. Nhiều người lại đoán bà có thể rơi vào tình trạng "sống thực vật" sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Tiết lộ mới đây nhất từ cây bút Jonathan Cheng trên tờ Wall Street Journal lại cho biết có thể bà Kim đã qua đời gần một năm nay. Bà tự tử bằng thuốc độc vào ngày 17/12, chỉ 5 ngày sau cái chết của người chồng và vào đúng ngày giỗ của con trai, theo nguồn tin từ ông Kim Heung-kwang, cựu giáo sư khoa học máy tính ở Bình Nhưỡng, từng là lãnh đạo tổ chức Trí thức Công đoàn, trốn chạy khỏi Triều Tiên từ năm 2004.

Điều này có thể giải thích lý do vì sao bà không xuất hiện công khai trong gần một năm và việc hình ảnh của bà bị chỉnh sửa, xóa khỏi một đoạn băng tài liệu phát hồi tháng 4. 

"Họ sẽ không bao giờ làm điều đó với một người còn sống", ông Kim Heung-kwang bình luận trong một cuộc phỏng vấn. Ông này cho hay đã phải trả tiền để lấy được nguồn tin từ bên trong Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, tất cả đến nay vẫn chỉ là đồn đoán, chưa có gì là chắc chắn về số phận của bà.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.