Quyết định điều chuyển giáo viên… bất thường
Chỉ vài ngày sau khi khai giảng năm học mới 2021 – 2122, trong ngày 8.9.2021 – Chủ tịch UBND quận Lê Chân (Hải Phòng) là ông Nguyễn Văn Phiệt đã ký 2 quyết định điều động, chuyển 2 giáo viên trường THCS Ngô Quyền đi nơi khác.
Cụ thể, trong quyết định số 2161/QĐ-UBND và quyết định số 2162/QĐ-UBND, ông Phiệt đã điều động giáo viên Nguyễn Thu Trang và giáo viên Ngô Kim Trang đến các trường khác thuộc quận Lê Chân.
Được biết, việc điều động giáo viên phải được căn cứ theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc địa phương. Việc làm này phải có kế hoạch, và tiến hành trước khi năm học mới bắt đầu để các trường kịp bố trí công việc cho giáo viên, tránh ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bởi vậy, việc Chủ tịch UBND quận Lê Chân điều chuyển hai giáo viên đi nơi khác khi năm học đã khai giảng là điều “bất thường”, gây phản ứng trong dư luận ở địa phương. Đã vậy, quyết định điều chuyển giáo viên chỉ được căn cứ “theo đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ quận”, nhưng lại không nêu rõ đề nghị này được thể hiện tại kế hoạch nào, phê duyệt từ bao giờ.
Đặc biệt, quyết định điều chuyển nêu trên không nêu được lý do vì sao lại điều chuyển giáo viên một cách “gấp gáp” đến như vậy, trong khi 2 giáo viên này đã được bố trí công việc cho năm học mới tại trường THCS Ngô Quyền. Các giáo viên bị điều chuyển cũng chưa từng vi phạm kỷ luật trong quá trình tham gia giảng dạy, thậm chí còn là các giáo viên dạy giỏi nhiều năm, và trường vẫn có nhu cầu sử dụng họ.
Trong đơn kiến nghị, phụ huynh học sinh lớp 9A10 đã nêu rất rõ sự gắn bó của giáo viên với các em học sinh trong lớp. Cụ thể, trong đơn nêu: “Cô Ngô Kim Trang là giáo viên chủ nhiệm và đồng thời là giảng dạy môn toán cho các con từ năm học 2018 đến năm 2022 qua các lớp 6D10, 7c10, 8B10, 9A10..”. “Cô Ngô Kim Trang đã theo các con từ năm lớp 6 đến nay, gần gũi như một người bạn với từng học sinh trong lớp. Cô hiểu được năng lực, tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh”. “…Chỉ còn một năm nữa để các con đạt được ước mơ vào ngôi trường cấp 3…”, nhưng “… đến thời điểm quan trọng thì UBND quận Lê Chân lại quyết định điều động cô giáo chủ nhiệm…”.
Từ kiến nghị của cha mẹ học sinh cho thấy, quyền lợi của các em về sự ổn định cho năm học cuối cấp, chuẩn bị thi vào cấp 3 của 53 học sinh lớp 9A10 trường THCS Ngô Quyền là điều mà các phụ huynh cũng như các em học sịnh lo lắng, và cần được quan tâm, nhưng lãnh đạo địa phương lại không hề quan tâm, tại sao?.
Điều đi chỗ khác vì ủng hộ… hiệu trưởng ?
Theo đơn thư của giáo viên của trường THCS Ngô Quyền phản ánh, đã hơn một năm qua, nội bộ trường THCS Ngô Quyền xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, liên quan tới chuyện tố cáo Hiệu trưởng nhà trường về nhiều nội dung. Việc tố cáo từ chỗ nặc danh đã đến chỗ có người đứng danh ký tên trong đơn.
UBND quận Lê Chân đã nhiều lần kiểm tra, xác minh nội dung đơn thư tố cáo với nội dung kết luận trái ngược nhau. Cụ thể trước đó, khi xác minh đơn tố cáo nặc danh, UBND quận kết luận các vấn đề tại trường không như nội dung tố cáo.
Nhưng khi xuất hiện đơn tố cáo có danh, mặc dù có 16 giáo viên không đồng ý với các nội dung tố cáo đối với hiệu trưởng, nhưng sau khi xác minh, UBND quận thông báo kết luận là “có dấu hiệu vi phạm Luật phòng chống tham nhũng cần được điều tra làm rõ đối với những cá nhân liên quan” tại trường THCS Ngô Quyền.
Không đồng thuận với kết luận xác minh nêu trên, nhiều giáo viên tại trường THCS Ngô Quyền đã khiếu nại lên cấp cao hơn. Tuy nhiên, đơn khiếu nại đã bị trả về, không được tiếp nhận, với lý do UBND quận chỉ thông báo kết luận xác minh đơn thư tố cáo, chứ không phải thực hiện theo quy trình thanh tra.
Đồng thời, 2 giáo viên trong số 16 giáo viên từ chối nội dung tố cáo hiệu trưởng bị điều chuyển đi trường khác như đã nêu ở trên.
Theo nội dung đơn thư của các giáo viên cho biết, đến nay vụ việc tố cáo ở trường THCS Ngô Quyền chưa được cơ quan công an kết luận, nhưng Chủ tịch UBND quận Lê Chân lại ký quyết định điều động giáo viên chuyển công tác sang trường khác một cách bất ngờ. Quá trình luân chuyển nêu trên những giáo viên này không hề được thông báo, họ chỉ nhận được giấy mời, và lên nhận quyết định ngay trong ngày. Tại hội nghị công bố quyết định, các đồng chí lãnh đạo quận và các phòng ban đưa ra lý do “Chúng tôi vòng vo, quanh co, không hợp tác với cơ quan điều tra, quận căn cứ trên văn bản đề xuất của cơ quan công an để điều chuyển chúng tôi là vì mục đích phục vụ công tác điều tra”
Cũng theo phản ánh từ phía giáo viên, những lý do nêu trên để điều chuyển giáo viên là chưa thỏa đáng, chưa chính xác và thiếu căn cứ. Bởi những giáo viên này không có lỗi gì trong việc đơn thư tố cáo xảy ra ở trong nhà trường, họ cũng không vi phạm pháp luật, chưa phải nhận hình thức kỷ luật hay biên bản kỷ luật từ phía công an hay các đoàn xác minh đơn thư. Những lần làm việc với cơ quan chức năng, những giáo viên này đều có mặt đầy đủ, cung cấp các thông tin mà họ biết về những vấn đề ở trường THCS Ngô Quyền mà các cơ quan chức năng quan tâm.
Được biết, bước vào năm học mới, trường THCS Ngô Quyền vẫn còn đang thiếu giáo viên bộ môn của chính các môn học mà những người giáo viên của nhà trường bị điều chuyển đi. Điều đó làm cho dư luận càng không đồng tình với việc điều chuyển giáo viên của UBND quận Lê Chân đối với trường THCS Ngô Quyền. Cách làm nêu trên của UBND quận Lê Chân, dù với lý do gì cũng dễ làm cho dư luận dễ hiểu rằng đang có những “sức ép” bất thường lên các giáo viên trong việc giải quyết đơn thư tố cáo xảy ra ở cơ sở giáo dục này.
Với những “áp lực” như thế, liệu những thông tin xác minh đơn thư tố cáo xảy ra ở trường THCS Ngô Quyền tới cơ quan chức năng liệu có còn được coi là trung thực, chính xác, khách quan ?.
Báo GD&TĐ tiếp tục theo dõi và phản ánh thông tin vụ việc này tới bạn đọc