Đại diện Hội phụ huynh không đồng tình
Hơn 60 tuổi, ông Lưu Kim Sơn – Hội trưởng Hội phụ huynh trường trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) là người đã có nhiều năm làm công tác hoạt động liên quan tới hội phụ huynh các nhà trường, nơi có con và cháu ông đã theo học, trong đó có trường THCS Ngô Quyền .
Nói về nội dung bản kết luận kiểm tra đơn thư tố cáo của UBND quận Lê Chân đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương, hiệu trưởng THCS Ngô Quyền, ông Lưu Kim Sơn cũng như hơn chục đại diện hội phụ huynh các lớp tại trường này hoàn toàn bất ngờ.
Cũng theo ông Hội trưởng Hội phụ huynh trường THCS Ngô Quyền, năm học 2019 – 2020, trên cơ sở họp với trường, hội phụ huynh đã thống nhất hỗ trợ nhà trường ở mức 50.000đ/hs/năm tiền điện điều hoà. Số tiền này đã thu và nộp cho giáo viên chủ nhiệm(GVCN) các lớp.
Tuy nhiên, kết quả xác minh ghi trong năm học 2019 – 2020, tiền điện vẫn được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Hiệu trưởng báo cáo hơn 72 triệu (trích từ số tiền điện đã thu) được sử dụng mua 5 máy điều hòa lắp ở khu C, người trực tiếp đứng tên kí hợp đồng mua bán thiết bị là chính ông Sơn chứ không phải đại diện nhà trường.
Tuy nhiên, do công trình đang xây dựng, các máy điều hòa chưa được lắp đặt dù đã có hóa đơn bán hàng, thiết bị vật tư, chi trả nhân công lắp đặt, biên bản bàn giao. Ngoài ra, số tiền hơn 40 triệu cũng được trích từ khoản thu tiền điện của học sinh, Hiệu trưởng báo cáo sử dụng vào việc bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa các lớp học. Nhưng tất cả các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa đều do chi hội phụ huynh các lớp tự sửa chữa hoặc chi trả để phục vụ học sinh chứ không phải nhà trường quyết địnhh việc này.
Ông Sơn cho biết, ông không đồng ý với nội dung bản kết luận đơn thư tố cáo này bởi: “Khi mua điều hoà, trường chưa xây xong thì lắp ở đâu ?.Tôi phải gửi nơi bán chờ xây xong phòng mới lắp. Khi đoàn kiểm tra xuống tôi đã mời họ xuống xem điều hòa lắp như thế nào, nhưng họ có xuống xem đâu?” – ông Sơn nói. Thay vào đó, họ kết luận hiệu trưởng có hành vi gian dối tiền 5 chiếc điều hoà này là không chính xác.
“Tiền điều hoà là của phụ huynh đóng góp, hiệu trưởng có lấy một đồng thì phụ huynh hỏi tôi, làm sao mà kết luận như thế?. Tiền điện điều hoà năm trước thiếu, tiền chi cho học sinh thì thừa, không lấy tiền thừa đó bù vào thì thu thêm của học sinh hay bắt ngân sách trả à?” – ông Sơn gay gắt.
Đại diện Ban liên lạc phụ huynh cho biết, hiện mức đóng góp của phụ huynh THCS Ngô Quyền khá thấp so với các trường cùng quận. “Nếu hiệu trưởng muốn lấy tiền từ đây, thì các khoản thu với phụ huynh sẽ còn tăng nhiều, chứ không thể thấp được” – ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, quan trọng hơn là theo quy định, các trường hiện không được thu nhiều các khoản đóng góp của phụ huynh. Họp phụ huynh đến phần đóng góp tiền cho các khoản phục vụ họp tập của học sinh, giáo viên chủ nhiệm còn phải ra ngoài để phụ huynh tự bàn bạc với nhau. Nhà trường chỉ giữ hộ tiền đóng góp, chi tiêu sao phải có đại diện Hội phụ huynh nhà trường có ý kiến. “Chúng tôi giám sát việc chi, còn không thấy thất thoát, đoàn kiểm tra nói có dấu hiệu tham nhũng tiền đóng góp là kiểu gì?” – ông Sơn đặt câu hỏi.
Cuộc kiểm tra có nhiều điều… khuất tất
Ngày 11/3/2021, đoàn kiểm tra của UBND quận Lê Chân (lần này do một phó chủ tịch dẫn đầu) tới làm việc tại trường THCS Ngô Quyền. Nói “lần này” là bởi các năm trước đó, trường đã có các đợt thanh tra nhưng được xác định kết quả đều tốt.
Tới khi phát sinh các đơn tố cáo (đơn thư nặc danh) đối với hiệu trưởng, kết luận xác minh sau đó cho thấy không có các dấu hiệu sai phạm cá nhân, hay tham nhũng của hiệu trưởng. Nhưng tới lần gần nhất, đơn tố cáo đã ghi chính danh của một giáo viên đã nghỉ hưu. Đây là căn cứ để đoàn kiểm tra của UBND quận quay trở lại trường.
Trong buổi làm việc ngày 11/3/2021, đoàn kiểm tra yêu cầu trường nộp toàn bộ hồ sơ, và là hồ sơ gốc, liên quan tới việc sử dụng tiền phụ huynh đóng góp.
Trong các lần thanh tra, kiểm tra trước, nhà trường không bị yêu cầu nộp hồ sơ gốc như lần này.
Được biết, điều 11 Luật Tố cáo quy định, người giải quyết tố cáo có quyền yêu cầu người tố cáo, người bị tố cáo… cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo. Nhưng luật không quy định bắt buộc phải nộp hồ sơ gốc. Tuy nhiên, nhà trường đã trao lại toàn bộ hồ sơ theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, trong đó có toàn bộ hồ sơ gốc liên quan tới việc theo dõi đóng góp của phụ huynh. Và sau khi việc chuyển hồ sơ gốc xảy ra, điều làm cho Ban Giám hiệu trường cũng như Hội Phụ huynh ở đây không khỏi lo lắng rằng: Làm sao mà biết được hồ sơ gốc có còn “nguyên vẹn” khi những giấy tờ này ở trong tay đoàn kiểm tra ?
Sau vài tháng, kết luận kiểm tra khẳng định hai nội dung: Thứ nhất là có dấu hiệu chiếm dụng hàng trăm triệu đồng đóng góp của phụ huynh tại trường. Thứ hai là hiệu trưởng có dấu hiệu sửa chữa, che dấu sai phạm liên quan tới sử dụng tiền đóng góp của phụ huynh.
Ngoài chuyện kết luận kiểm tra lần này ngược với kết luận thanh tra, kiểm tra những lần trước cũng tại trường THCS Ngô Quyền, thì kết luận lần này còn thiếu hẳn sự khách quan, là bởi không có sự xuất hiện thành phần quan trọng trong quá trình xác minh do đoàn kiểm tra của UBND quận Lê Chân tiến hành - Đó là thiếu đại diện phụ huynh của nhà trường.
Trong khi kết luận kiểm tra của UBND quận Lê Chân xác định có dấu hiệu chiếm dụng tiền đóng góp của phụ huynh, thì đại diện Hội phụ huynh trường THCS Ngô Quyền một mực khẳng định tin tưởng, và không thấy có dấu hiệu tiền đóng góp của họ bị chiếm dụng.
Liên quan đến việc này, ông Lưu Kim Sơn cho biết: Ngoài chuyện ông bị gọi lên kê khai các khoản đã nộp, ông chưa bao giờ được đoàn kiểm tra, hay được nhận kết luận kiểm tra, nói về việc tiền đóng góp của phụ huynh trường bị chiếm dụng.
Có thể việc đoàn kiểm tra không mời đại diện Hội phụ huynh tham gia là một thiếu sót. Nhưng qua xác minh cho thấy, đoàn kiểm tra chỉ làm việc với hiệu trưởng và thủ quỹ của trường liên quan đến vụ việc. Điều này cho thấy các thành viên của đoàn kiểm tra hiểu rõ những nội dung tìm hiểu chỉ liên quan tới đóng góp của phụ huynh học sinh.
Được biết, liên quan tới việc sử dụng ngân sách – lĩnh vực này do kế toán của trường chịu trách nhiệm. Còn đóng góp của phụ huynh tại các trường học, theo quy định, khoản tiền này nằm ngoài hệ thống kế toán của trường học, nên kế toán của trường không theo dõi, hạch toán mà do Hiệu trưởng, thủ quỹ và Hội phụ huynh phối hợp sử dụng phù hợp để phục vụ nhu cầu của học sinh.
Từ đó cho thấy, nếu đoàn kiểm tra của UBND quận Lê Chân phát hiện ra khoản tiền đóng góp của các phụ huynh bị sử dụng sai, thậm chí bị chiếm đoạt, thì “nạn nhân” của vụ việc này chính là Hội phụ huynh học sinh của nhà trường phải được biết và phải tham gia để bảo vệ quyền lợi khi đóng góp tiền cho quỹ này sử dụng.
Việc chỉ yêu cầu đại diện Hội phụ huynh của trường THCS Ngô Quyền cung cấp thông tin, mà không thông báo cho họ biết việc bị “móc túi” thế nào là điều đang bị dư luận không đồng tình. Được biết, chính đại diện các phụ huynh nhà trường đang rất quyết liệt trong việc bảo vệ hiệu trưởng– là người đang chịu trách nhiệm chính trong kết luận “có dấu hiệu chiếm dụng” của đoàn kiểm tra của UBND quận Lê Chân.
Tại trường THCS Ngô Quyền, có nhiều luồng dư luận về cá nhân hiệu trưởng – bà Nguyễn Thị Thu Hương, người khen, người chê về cá tính của vị hiệu trưởng này. Dư luận địa phương cũng đã “ồn ào” trước thông tin lãnh đạo địa phương muốn chuyển vị hiệu trưởng này sang trường khác, nhưng bị từ chối.
Mong rằng, những ý kiến của bản kết luận kiểm tra của UBND quận Lê Chân được làm sáng tỏ, trong đó ý kiến của Hội phụ huynh học sinh nhà trường cần được quan tâm và tôn trọng, nhằm bảo vệ sự thật và lẽ phải trong việc chi tiêu những khoản tiền đóng góp của phụ huynh để phục vụ điều kiện học tập của học sinh nhà trường.