Điểm lại lịch sử “Ngày nhà giáo Việt Nam”
Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong cuộc họp của FISE (với sự tham sự của 57 nước) diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, Công đoàn giáo dục Việt Nam (thành viên của FISE từ năm 1953) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của trường THPT chuyên Trần Phú. ảnh Lê Quyết Cường |
Từ những ngày đầu tiên, ngày lễ được tổ chức trên toàn miền Bắc. Sau này khi giải phóng miền Nam, ngày này chính thức thành ngày lễ truyền thống được tổ chức mỗi năm trên khắp cả nước. Mỗi dịp 20-11 hàng năm, cơ quan giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt nhằm khích lệ, cổ vũ tinh thần đấu tranh gian khổ của các giáo viên.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Hải Phòng tưng bừng 20-11
Hưởng ứng không khí cả nước kỉ niệm chào mừng 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11, hàng loạt các hoạt động, các buổi lễ kỉ niệm được tổ chức rộn ràng trên khắp thành phố Hải Phòng. Các em học sinh từ trước đó đã dày công chuẩn bị những món quà tinh thần để thầy cô giáo, những người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Trước đó, vào ngày 16 – 11, buổi lễ kỉ niệm 35 ngày Nhà giáo Việt Nam trọng thể cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội cựu giáo chức cùng với Công đoàn giáo dục Hải Phòng đã tổ chức. Tại buổi lễ, nhiều tập thể và các cá nhân tiêu biểu đã được biểu dương vì thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong giai đoạn 2007 – 2017.
Sau đó hàng loạt các ngôi trường có tiếng tăm trên địa bàn như: THPT chuyên Trần Phú, Ngô Quyền, THCS Tô Hiệu…cũng tổ chức các hoạt động chào mừng.
Tri ân và thắp sáng ước mơ cùng thầy trò trường THCS Ngô Quyền ảnh Lê Quyết Cường |
Ngày lễ càng đến gần không khí càng rộn ràng, rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức các chương trình kỉ niệm để tôn vinh các thầy, cô giáo. Để có những chương trình, lễ kỷ niệm đáng nhớ, các em học sinh, sinh viên từ trước đó nhiều tuần đã nô nức chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc biệt để thể hiện vào dịp này.
Dạo quanh thành phố trong những ngày này, bạn sẽ được hòa mình vào một không khí tưng bừng bởi đâu cũng tràn ngập sắc hoa, đâu cũng thấy thấp thoáng những tà áo dài đủ sắc màu với những nụ cười rạng rỡ của thầy và trò. Cùng với đó là những điệu múa cùng với lời ca tiếng hát rộn ràng khắp thành phố.
Có thể nói, trải qua 35 năm, ngày 20 -11 đã trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam. Tấm lòng chân thành của các em học sinh chính là món quà ý nghĩa nhất với người thầy, người cô đã ươm mầm cho tương lai của đất nước: “Tháng 11 đầy ưu tư nhung nhớ, nhớ ký ức của một thời nhỏ dại. Nhớ thầy cô của những buổi đến trường, chúc cho thầy cô thân yêu của con mãi mạnh khỏe và thanh đạt”