Hưởng ứng Năm dữ liệu số quốc gia, Ngày Chuyển đổi quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng, do UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số.
Đây là cơ hội gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực, giới thiệu và trải nghiệm công nghệ tiên tiến; trải nghiệm các ứng dụng, sản phẩm phục vụ người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng CNTT, kết nối cung cầu; thu hút đầu tư công nghệ số trên địa bàn TP Hải Phòng…
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 2 thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện Chuyển đổi số” điều này khẳng định sự quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đối với công tác chuyển đổi số.
Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 12/KH-UBND về chuyển đổi số, trong đó có tổng số 75 nhiệm vụ giao cho 28 đơn vị với tổng kinh phí thường xuyên thực hiện gần 400 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ được giao tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở.
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường thông tin, với những cố gắng đó thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số, đến nay 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ).
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - ông Hoàng Minh Cường thông tin tại Diễn đàn chuyển đổi số ngày 27/12. |
Trong năm 2023 xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực truyến, chiếm 90.7% tổng số hồ sơ, tăng rất nhanh chóng từ 20% năm 2021, 60,2% năm 2022; tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%; tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GRDP ước đạt 24,5%, đứng thứ 4/63 tỉnh.
Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện thành công một số lĩnh vực Chính phủ lựa chọn thành phố triển khai thí điểm như xây dựng dữ liệu dân cư, hóa đơn điện tử, cấp đổi giấy phép lái xe.