Sáng 22/3, tại Trường Mầm non Quốc Tuấn, phòng GD&ĐT huyện An Lão, TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết Giải pháp sáng tạo "Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN năm học 2023-2024".
Dự chương trình có: bà Đỗ Thị Hoà – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải phòng, bà Vương Thị Đào – Trưởng phòng GDMN Sở GD&ĐT Hải phòng; ông Nguyễn Mạnh Thắng- Phó chủ tịch UBND huyện An Lão; ông Vũ Trọng Dũng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão.
Cô và trò Trường Mầm non Quốc Tuấn trong giờ hoạt động. |
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện, ngay từ đầu năm học, Phòng đã triển khai giải pháp "Ứng dụng CNTT đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN”. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm học 2023-2024 và cũng là một trong các nội dung đánh giá thi đua các nhà trường năm học.
Phòng đã xây dựng tiêu chí đánh giá và kiểm tra việc triển khai thực hiện giải pháp đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện. Đồng thời kết hợp việc kiểm tra chuyên ngành, tư vấn thực hiện giải pháp cho các đơn vị.
Việc hoạt động nhóm, sử dụng thiết bị thông minh mang lại sự hào hứng cho trẻ. |
Căn cứ vào nhiệm vụ giáo dục năm học, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Cơ sở làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo, đầu tư có hiệu quả thiết bị, đồ dùng đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Giải pháp. Nhiều thiết bị thông minh như: máy tính, máy in, ti vi, tai nghe và các thiết bị đường truyền khác được đầu tư.
Trẻ tương tác với giáo viên qua phần mềm ứng dụng để trả lời câu hỏi. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, bên cạnh việc đầu tư mua mới, sửa chữa CSVC, thiết bị CNTT, các trường mầm non tích cực bồi dưỡng năng lực công nghệ cho đội ngũ.
Các cô tập trung nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ mầm non. Thực hiện lựa chọn lớp làm mô hình điểm để tổ chức thảo luận, rút kinh nghiệm. Phát huy vai trò của Ban chất lượng giáo dục trường mầm non xây dựng mô hình điểm đạt hiệu quả.
Trẻ tương tác với phần mềm ứng dụng. |
Kết quả, 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện An Lão đã sử dụng tiện ích của Excel để tạo ra các bảng tính liên kết trong quá trình tính định lượng khẩu phần ăn, sổ giao nhận thực phẩm, bảng chia ăn, sổ kiểm thực 3 bước và sổ lưu mẫu thức ăn...Thiết lập cơ sở dữ liệu số, lưu trữ, tra cứu hệ thống hồ sơ quản lý nhằm thực hiện công tác chuyển đổi số.
Cụ thể, đa số các trường đã thiết lập và quản lý hồ sơ trên máy tính cá nhân, sắp xếp các kho dữ liệu trong máy tính khoa học giúp thuận tiện trong việc tìm lưu trữ, tìm kiếm thông tin; Tạo thư mục kho học liệu điện tử cho trẻ trên máy tính lớp học/phòng chức năng; Khai thác sử dụng hiệu quả kho học liệu GDMN của lớp, trường, huyện, thành phố.
Sản phẩm STEM của cô trò Trường Mầm non Quốc Tuấn. |
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường sử dụng ứng dụng CNTT: Kiểm tra hồ sơ sổ sách qua ứng dụng phần mềm Ultra viewer (điều khiển máy tính từ xa), đánh giá trẻ, trang tính.. Google form (Soạn biểu mẫu khảo sát thu thập thông tin, trắc nghiệm trực tuyến) để khảo sát, trưng cầu ý kiến cán bộ, giáo viên, phụ huynh tham xây dựng phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
Đồng thời, nhà trường tích cực ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, hướng dẫn trẻ thực hiện một số thao tác cơ bản với máy vi tính, chủ động tương tác với học liệu giáo dục điện tử.
Hội nghị cũng lắng nghe báo cáo tham luận của Trường Mầm non Quốc Tuấn và Trường Mầm non An Thái để làm nổi bật kết quả trong báo cáo giải pháp: "Ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN năm học 2023-2024". Đại biểu cùng dự hoạt động của học sinh khi tham gia trò chơi tương tác trên Ipad và thảo luận chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện giải pháp.