Nhiều thành quả trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đã khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 tại Hải Phòng.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại Kiến Thuỵ.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại Kiến Thuỵ.

Tại buổi làm việc sáng 12/10 với Huyện uỷ, UBND huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng), Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) nắm bắt thực trạng, ý kiến, kiến nghị của cơ sở về quá trình thực hiện.

Ông Đỗ Đức Hoà, Bí thư huyện Kiến Thuỵ chia sẻ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, huyện uỷ, UBND huyện luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm đạt kết quả tốt.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Thuật, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ thông tin, nhiều năm qua, huyện Kiến Thuỵ luôn quan tâm, tạo mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các điều kiện để nâng cao chất lượng.

Huyện đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ về phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; giúp giáo viên cập nhật phương pháp dạy học theo hướng hiện đại kết hợp ứng dụng CNTT, tăng cường đổi mới dạy học ngoại ngữ, tin học. Ứng dụng CNTT trong tuyển sinh đầu cấp, quản lý học sinh, tiến tới đồng bộ hoá dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục; thúc đẩy cải cách hành chính thu hút đầu tư cho giáo dục.

Ông Phạm Tiến Thuật, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ thông tin với Đoàn công tác.

Ông Phạm Tiến Thuật, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ thông tin với Đoàn công tác.

Tại huyện Kiến Thuỵ hiện có 75% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến rõ rệt. Trong đó, 100% học sinh lớp 5 được xét hoàn thành chương trình tiểu học, 98% học sinh THCS tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98-99%, tỷ lệ học sinh THPT đỗ đại học hàng năm 75-90%.

Bên cạnh đó, công tác đổi mới, kiểm tra đánh giá được đẩy mạnh; các phong trào thi đua trong nhà trường được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa; việc xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài triển khai sâu rộng.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương, ông Thuật cho rằng còn nhiều hạn chế, khó khăn cần có biện pháp tháo gỡ như: quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập do dân số cơ học tăng nhanh; một bộ phận giáo viên thụ động, ngại đổi mới; định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu…

Nguyên nhân của những tồn tại đó là công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 29 chưa sâu rộng; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên...

Huyện Kiến Thuỵ cũng chia sẻ khó khăn về công tác tuyển dụng giáo viên, sắp xếp giáo viên dạy liên môn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục...và bày tỏ mong muốn có giải pháp tháo gỡ.

Qua buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận thành quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại huyện Kiến Thuỵ với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Quá trình triển khai cho thấy các cấp, ngành trong huyện đã tuyên truyền sâu rộng và bằng những việc làm cụ thể để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng đề nghị, lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ tiếp tục quan tâm tới giáo dục, đào tạo một cách thực chất, hiệu quả bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên bằng các chương trình hành động cụ thể của địa phương; nắm bắt sơ kết, đánh giá và kịp thời điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế của huyện; huyện tiếp tục quán triệt 7 quan điểm, 9 nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 29.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Thứ trưởng cho rằng, yếu tố con người quan trọng nhất. Vì thế, địa phương cần quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách của đội ngũ, cán bộ nhà giáo để đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ