Hải Phòng: Công trình hơn 60 tỷ đồng tan hoang sau bão

GD&TĐ - Nhà cánh diều - biểu tượng, niềm tự hào của người dân TP Hải Phòng, nhưng hoạt động không hiệu quả suốt 20 năm.

Nhà cánh diều hư hỏng nặng nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Chinh
Nhà cánh diều hư hỏng nặng nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Chinh

Vừa qua, cơn bão số 3 (Yagi) càn quét khiến công trình này tan hoang, nguy cơ bị dỡ bỏ.

Không phát huy được hiệu quả

Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng hay còn được gọi là Nhà cánh diều nằm trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa phận phường Anh Dũng, quận Dương Kinh có tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng.

Năm 2003, trước thời cơ và xu thế hội nhập quốc tế, Hải Phòng phê duyệt lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại vị trí nói trên (khu đất rộng 13ha).

Theo thiết kế, công trình tòa nhà có mặt bằng hình ellipse dài 120m, rộng 64m (sải mái dài 160m, rộng 84m); tầng 1 rộng 10.000m2, tầng 2 là 5.000m2. Chiều cao sống mái chính giữa là 35m, đỉnh mái là 48m, bước cột trung bình 12m theo chu vi hình ellipse. Giải pháp kiến trúc là sử dụng tối đa ưu thế của kết cấu thép, hệ giàn không gian mạng tinh thể vượt khẩu độ lớn, cho cả hệ kết cấu mái và khung cột.

Đặc điểm nổi bật của công trình là kiến trúc mái được lấy cảm hứng từ hình ảnh một con thuyền lớn đang lướt sóng ra khơi và bay lên như cánh diều căng gió. Đây là hình ảnh ấn tượng nhất của công trình. Chính vì thế, sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2004, người dân đặt cho công trình cái tên Nhà cánh diều.

Tháng 5/2004, Nhà cánh diều được Hải Phòng đưa vào khai thác, sử dụng với kỳ vọng là địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện, thu hút đầu tư và các hoạt động thương mại, dịch vụ, là nơi tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao với quy mô lớn của thành phố.

Công ty Cổ phần ACS Việt Nam là đơn vị được TP Hải Phòng bàn giao khai thác và vận hành công trình. Khi mới đi vào hoạt động, Nhà cánh diều lọt trong top 10 địa điểm thu hút giới trẻ ở Hải Phòng bởi kiến trúc độc lạ. Thậm chí nơi đây còn là địa điểm tham quan, check in của giới trẻ, du khách xa gần.

Năm 2010, Công ty Cổ phần ASC Việt Nam lên kế hoạch, đề xuất UBND TP Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch, mở rộng diện tích lên 47ha, triển khai thêm một số hạng mục vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, nhưng không triển khai.

Tuy nhiên, 20 năm qua công trình không phát huy được hiệu quả, sự kỳ vọng của các cấp chính quyền và người dân. Một vài năm đầu, nhiều doanh nghiệp gần, xa còn hào hứng đưa sản phẩm về giới thiệu, bày bán phục vụ nhân dân nội, ngoại thành Hải Phòng.

Khoảng cách về địa lý, trung tâm hội chợ nằm xa trung tâm thành phố tới 14km, giao thông không thuận lợi, tuyến đường từ trung tâm thành phố chạy thẳng ra Nhà cánh diều thường xuyên xảy ra ùn tắc tại điểm thắt nút “cổ chai” - cầu Rào.

Hàng hóa không phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi đó các trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên giữa phố… khiến cho người dân không mấy mặn mà với các phiên hội chợ được tổ chức tại đây. Đó là một trong số nguyên nhân khiến Nhà cánh diều lâm vào tình trạng bi đát, “cổng đóng, cửa khóa”, hoang lạnh, điêu tàn trong suốt nhiều năm.

Sau đó, đơn vị vận hành Nhà cánh diều đã biến cả tòa nhà chính, đồng thời xây dựng mấy dãy nhà cấp 4 trong khuôn viên trung tâm hội chợ làm kho, bãi cho thuê.

Công trình Nhà cánh diều không được cải tạo, sửa chữa trong nhiều năm đã khiến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, vòm mái tòa nhà chính han gỉ, hệ thống trụ điện, đèn chiếu sáng… cũng trong tình cảnh tương tự. Hệ thống cây xanh bỏ mặc, không được chăm sóc, cắt tỉa, khắp nơi cỏ dại mọc um tùm.

Trước việc sử dụng đất không hiệu quả, năm 2017, UBND TP Hải Phòng quyết định thu hồi 20ha của dự án nằm sát đường Phạm Văn Đồng.

hai-phong-cong-trinh-hon-60-ty-dong-tan-hoang-sau-bao-1-78-1549.jpg
Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng tan hoang sau khi hứng chịu cơn bão số 3 quét qua. Ảnh: Giang Chinh
hai-phong-cong-trinh-hon-60-ty-dong-tan-hoang-sau-bao-3-5321-593.jpg
Nhiều vị trí mái bị gió bão thổi bay, để lộ ra khung thép. Ảnh: Giang Chinh
hai-phong-cong-trinh-hon-60-ty-dong-tan-hoang-sau-bao-4-5447-6180.jpg
Mặt trước của Nhà cánh diều xuống cấp, hư hỏng nặng. Ảnh: Giang Chinh
hai-phong-cong-trinh-hon-60-ty-dong-tan-hoang-sau-bao-5-5003-2576.jpg
Rác thải đổ đầy khuôn viên xung quanh tòa nhà.

Tan hoang hơn sau bão số 3

Ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng - Quảng Ninh đã tàn phá kinh hoàng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình với số tiền ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tòa Nhà cánh diều “no gió” bị hư hỏng nặng. Bão tan đến nay đã được hơn 1 tháng, nhưng Nhà cánh diều vẫn chưa được khắc phục, nhìn phản cảm, tạo dư luận không tốt.

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, công trình Nhà cánh diều không còn thuộc sở hữu của thành phố. Nó đã được bán cho Tập đoàn Sao Đỏ trước thời điểm bão số 3 đổ bộ nên việc sửa chữa hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Thông tin với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sao Đỏ xác nhận, tập đoàn đã mua lại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế (Nhà cánh diều) cùng 56ha đất, trong đó bao gồm diện tích đất của trung tâm. Theo ông Thắng, Nhà cánh diều bị bão số 3 tàn phá quá nặng, các khung sắt, thép bên trong đã hoen gỉ nên đơn vị đang xem xét có nên sửa chữa hay tiến hành phá bỏ để xây dựng lại một công trình khác hiện đại hơn, phù hợp hơn với xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.