Hơn 200 trạm y tế lưu động
Để thích ứng kịp thời công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 20/12/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Phòng đã yêu cầu các địa phương thành lập ngay các trạm y tế lưu động.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng giao UBND các quận, huyện chuẩn bị nhân lực thành lập thêm trạm y tế lưu động, đặc biệt là các địa phương có khu, cụm công nghiệp, đông dân cư. Đồng thời, thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng để hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm cho các F0, F1 cách ly tại nhà; thực hiện nghiêm việc phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà theo chỉ đạo của thành phố.
UBND thành phố giao Sở Y tế mua sắm thuốc, vật tư y tế cấp phát cho các trạm y tế lưu động; làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sản xuất oxy để cung cấp oxy cho các trạm y tế lưu động; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Hải Phòng cũng rà soát, tiếp tục khẩn trương mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ 300 giường điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (100 giường hồi sức tích cực – ICU và 200 giường bệnh nhân nặng). Đồng thời, hoàn thiện phương án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Hải Phòng đã thành lập xong 226 trạm y tế lưu động và đi vào hoạt động. Các trạm y tế lưu động đã kích hoạt hiện đang hỗ trợ hàng trăm ca F0 theo dõi điều trị tại nhà trong tổng số hàng nghìn ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại địa phương thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Bến - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP Hải Phòng - chia sẻ, khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, UBND xã nhanh chóng cho lập trạm y tế lưu động. Trạm lập tại nhà văn hóa thôn Kiều Thượng, được trang bị xe máy, các thiết bị, vật tư y tế. Địa phương quan tâm đến chỗ sinh hoạt cho cán bộ và lắp bình nước nóng phục vụ cho công tác của họ tại trạm y tế lưu động.
Hết mình vì bệnh nhân
Tính đến ngày 5/1, trên địa bàn xã Quốc Tuấn có 34 ca F0, trong đó 5 ca đã khỏi bệnh, còn lại 29 người đang điều trị. Y sĩ Trần Thị Hồng Nhung là Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động xã Quốc Tuấn, huyện An Dương gồm 5 cán bộ.
Trong đó có một bác sĩ và một điều dưỡng từ Trung tâm y tế huyện về tăng cường. Còn lại địa phương vận động thêm 2 cán bộ từng công tác tại trạm y tế xã đã về hưu ra phục vụ bệnh nhân.
Chị Nhung cho hay, nhiệm vụ của nhân viên tại trạm y tế lưu động là nhận và điều trị các ca F0, F1 tại nhà, với ca bệnh nặng cho chuyển tuyến trên. Mới thành lập được gần một tháng, nhiều hoạt động còn khó khăn, nhất là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng cán bộ các trạm y tế lưu động luôn hết mình vì bệnh nhân.
Bà Đoàn Thị Tơ, nhân viên hiện công tác tại Trạm Y tế lưu động xã Quốc Tuấn là y sĩ từng công tác tại trạm y tế xã nay đã về hưu nhưng được sự vận động của chính quyền địa phương, bà Tơ đã xung phong tình nguyện ra công tác.
Bà Tơ cho hay, việc hàng ngày là đi nắm bắt tình hình, thăm khám, phát thuốc và hướng dẫn F0 điều trị tại nhà. Tuy đã nghỉ công tác nhưng bà cũng muốn được góp công sức nhỏ cho công cuộc chống dịch chung của địa phương.
Bên cạnh bà Tơ, điều dưỡng Đồng Thị Vân cho hay, chị mới xây dựng gia đình, con còn nhỏ, chồng lại công tác xa nhà nhưng vì tinh thần chống dịch chung, chị muốn góp sức lực nhỏ của mình cho sự bình yên của địa phương.
Đã 2 năm nay gần như chị Vân không có mặt tại nhà, bởi hết đi tình nguyện tại khu cách ly tập trung, chị lại phục vụ công tác chống dịch của địa phương. Khi thành phố thành lập trạm y tế lưu động, chị Vân tình nguyện về quê chồng là xã Quốc Tuấn để công tác.
Ông Lương Thế Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương - chia sẻ, An Dương có 16 xã, thị trấn và đã thành lập 16 trạm y tế lưu động. Trên địa bàn có khu công nghiệp nên các ca F0 tăng nhanh từng ngày. Hiện, xã Hồng Phong số lượng F0 nhiều nhất.
Với 5 cán bộ tại trạm y tế lưu động phục vụ hàng chục, hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày là sự vất vả lớn. Lãnh đạo huyện ghi nhận và thường xuyên thăm hỏi, động viên những nỗ lực của lực lượng y tế, tuyến đầu phòng dịch.
Quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng là hai địa bàn có diễn biến dịch gia tăng nhanh, nên các xã phường vùng đỏ có nơi lập từ 2 đến 3 trạm y tế lưu động để kịp thời hỗ trợ các F0 tại nhà. Phương tiện đi lại tới từng nhà F0, bình oxy, thuốc men, vật tư thiết yếu phòng chống dịch đều được địa phương chuẩn bị đủ.
Bác sĩ Phạm Thị Dung, Trưởng Trạm Y tế lưu động Khu 2, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, cho biết, các cán bộ y tế tại trạm thường xuyên nắm bắt sức khỏe cho bệnh nhân. Tuỳ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp, hướng dẫn điều trị.
Với hàng trăm ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại các nhà máy, khu công nghiệp thời gian qua, ngoài việc thành lập hơn 200 trạm y tế tại các xã phường thì các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp đã giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên và đảm bảo điều kiện sức khỏe cho bệnh nhân được chăm sóc chu đáo.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cán bộ tại trạm y tế lưu động, hiện nay rác thải y tế như: Đồ bảo hộ, khẩu trang… chưa được đơn vị xử lí rác thải thu gom, xử lý theo đúng quy định dẫn đến ùn ứ, mất vệ sinh. Nhiều nơi không có nơi tập kết đem đốt gây ô nhiễm môi trường. Trước vấn đề trên, địa phương cần có phương án xử lý kịp thời.