Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, bổ túc THCS được thực hiện. Bậc trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông thực hiện từ năm học 2021-2022. Vì vậy, hội nghị này là cơ sở để lãnh đạo Sở GD&ĐT lắng nghe ý kiến của các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường mầm non, THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên địa bàn về thuận lợi, vướng mắc và đưa ra cách thức thực hiện hiệu quả, minh bạch.
Tại hội nghị, các đại biểu đều tỏ ra vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố. Việc hỗ trợ học phí đối với con em nhân dân sinh sống và học tập trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện KTXH khó khăn.
Với các trường thuộc khối THCS, THPT và GDTX việc lập danh sách, theo dõi, hỗ trợ kinh phí sẽ rõ ràng do sĩ số học sinh ổn định. Nhưng nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn, với đặc thù bậc mầm non, số trẻ có sự biến động lớn, việc theo dõi, thống kê sĩ số gặp khó khăn. Vì thế triển khai hỗ trợ học phí sẽ có những bất cập nhất định.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị |
Mặt khác, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều cơ sở giáo dục không phép. Trẻ học tại các cơ sở đó sẽ không được hỗ trợ học phí. Do vậy, bài toán đặt ra cho ngành giáo dục là mạnh tay xóa bỏ những cơ sở không phép, vận động xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trường học để hướng tới mọi học sinh đều được hưởng quyền lợi công bằng từ chính sách nhân văn này của thành phố.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, Sở GD&ĐT có kế hoạch kết hợp với Ngân hàng Vietcombank bàn giải pháp hỗ trợ các trường về nghiệp vụ kế toán. Bên cạnh đó, trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, các đơn vị đối tác sẽ cùng với Sở GD&ĐT xây dựng phần mềm quản lý đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả phát huy ý nghĩa thiết thực của chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh.