Hai nhà giáo được đề cử Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019

GD&TĐ - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội vừa thông qua Danh sách đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 cho 10 cá nhân, trong đó có PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ và cô giáo Lê Thị Hòa - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ.

PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ. Ảnh: Bình Thanh
PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ. Ảnh: Bình Thanh

PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ (SN 1937), nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã nghiên cứu luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” để bảo vệ luận án tiến sĩ đầu tiên của Khoa Lịch sử. Luận án trở thành tư liệu trích dẫn trong những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.

Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông chủ biên cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” dung lượng hàng nghìn trang, được đánh giá cao và gần đây ông xuất bản cuốn “Văn hóa Việt Nam truyền thống - một góc nhìn”, hơn 500 trang.

Với những đóng góp của mình, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011. Năm 2012, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ trao cho công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX: Kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại”. Năm 2019, ông được nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 12.

Cô giáo Lê Thị Hòa là một trong 2 nhà giáo vinh dự được đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Hơn 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách Đội tại các trường tiểu học Trường Yên và Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), cô Lê Thị Hòa luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp.

Cô Lê Thị Hòa đã mở lớp giảng dạy miễn phí tại nhà riêng cho HS nhiễm chất độc da cam/dioxin không có khả năng đến trường và các em HS nghỉ học giữa chừng. Ngoài ra, cô còn tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo từ năm 2015 đến nay với số tiền gần 400 triệu đồng.

Với những đóng góp trên, liên tục từ năm 2008 - 2017, cô Lê Thị Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô Hòa vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Thủ đô dạy HS các lớp tình thương, HS khuyết tật”; năm 2017 được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của TP Hà Nội.

Cùng với PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ và cô Lê Thị Hòa còn có 8 cá nhân khác cũng được đề nghị xem xét, cấp tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 gồm: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (SN 1931), phường Quang Trung, quận Đống Đa; Nhạc sĩ Lê Mây (SN 1942), nguyên cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; GS.TS Thầy thuốc nhân dân Lê Đức Hinh (SN 1935), nguyên Trưởng phòng Điều trị Khoa Thần kinh và Tinh thần (Bệnh viện Bạch Mai); GS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thanh Liêm (SN 1953), nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; ông Lý Văn Phủ (SN 1963), nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; ông Đỗ Minh Phú (SN 1953), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji; bà Lê Thu (SN 1932), Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu (SN 1968), Tổ trưởng Tổ môi trường 1 (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.