Trường Ecole 42
Ngôi trường này đang thách thức những tiêu chuẩn của nền giáo dục hiện tại. Gọi là trường “độc nhất vô nhị” quả chẳng sai, trường Ecole 42 không có giảng viên, sinh viên học cũng không cần sách vở, làm bài kiểm tra hay thi cử. Tất cả những gì họ làm là sáng tạo.
Theo Daily Nation, Ecole 42 do nhà tỉ phú công nghệ Xavier Niel thành lập năm 2014. Một điều đặc biệt nữa là trường hoạt động không giới hạn giờ giấc, mở cửa 24/24.
Thời điểm trường đông sinh viên nhất là từ 2 đến 3 giờ sáng. “Bạn sẽ thấy có từ 300 đến 400 sinh viên vào ban đêm. Chúng tôi mở cửa suốt 24 giờ. Tổng thống Pháp từng chụp selfies ở đây vào nửa đêm”, tỉ phú Niel cho biết.
Ông Niel thành công trong lĩnh vực phát triển internet và thành lập các doanh nghiệp sản xuất điện thoại. Vào năm 2013, Niel công khai chỉ trích hệ thống giáo dục là hoạt động không hiệu quả. Ông quyết định thành lập Ecole 42.
Ngôi trường không cần bằng cấp khi xét đầu vào, tốt nghiệp cũng không cấp bằng, không cần đóng học phí, không có giáo trình hay giảng viên.
Phương pháp giáo dục của Ecole 42 là trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng quá trình làm việc thực tế, họ phải sáng tạo và tự tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Để xây dựng Ecole 42, tỉ phú Niel đã đầu tư 20 triệu USD cho giai đoạn đầu. Sau đó, phải đầu tư thêm 7 triệu USD để hoạt động trong 10 năm tiếp theo. Ông hy vọng sẽ đào tạo được những tài năng công nghệ giúp thay đổi thế giới như Mark Zuckerberg.
Nhiều tỉ phú và nhân vật có ảnh hưởng trong giới công nghệ đã đến Ecole 42 để chiêm ngưỡng ngôi trường và có người đánh giá đây chính là “một ngôi trường của tương lai”.
Mùa hè năm 2016, Niel đã xây dựng ngôi trường thứ hai ở Fremont, California, Mỹ. Kinh phí đầu tư và vận hành chi nhánh này là khoảng 100 triệu USD. Có khoảng 80.000 người nộp hồ sơ vào Ecole 42. Họ được chơi một trò trực tuyến và chỉ có 25.000 người vượt qua. Trong số này, trường chọn 3.000 người chơi tốt nhất.
Học viên được yêu cầu đến trường trong một tháng, mỗi ngày 15 giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Sau 5 hoặc 6 ngày, số người giảm xuống còn 1.000. 80% là người Pháp, còn lại chủ yếu là người Mỹ.
Những người được nhận vào trường, được miễn học phí, cung cấp chỗ ở. Niel đã xây một khu ký túc xá với 900 phòng. Mỗi sinh viên có thể được vay 16.000 USD nếu có nhu cầu.
Khoảng 40% sinh viên đầu vào không có bằng trung học phổ thông. Những người thông minh có thể hoàn thành khóa học trong khoảng 18 tháng. Số khác có thể mất đến 5 năm.
Trường nội trú Putney
Sống trong cabin không điện nước, làm thợ rèn, chăn nuôi, trồng trọt... là những trải nghiệm thú vị tại ngôi trường nội trú Putney tọa lạc trên trang trại bò sữa rộng 500 mẫu ở miền Nam bang Vermont, Mỹ - nơi học sinh không cần quan tâm đến điểm số.
Năm 12 tuổi, Reid Hoffman, đồng sáng lập trang LinkedIn và là một trong những tỷ phú có sức ảnh hưởng lớn nhất ở thung lũng Silicon, giấu bố mẹ đăng ký vào Putney. Thành công của ông cho thấy việc lựa chọn theo học ngôi trường đặc biệt này là quyết định đúng đắn.
Học phí nội trú của trường khá đắt, 56.800 USD, tương đương chi phí học tập tại các trường thuộc Ivy League. Những học sinh không nội trú chỉ phải đóng 34.300 USD/năm. Ngoài ra, 43% học sinh Putney được trường hỗ trợ tài chính.
Putney mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác lạ. Học sinh và phụ huynh tuyệt đối không nắm được điểm số cho đến khi các em bước vào năm học lớp 11, thời điểm bắt đầu làm hồ sơ ứng tuyển vào đại học.
Đổi lại, mỗi năm, họ nhận 6 bản nhận xét từ giáo viên về tiến độ học tập. Trường cũng không mở các lớp luyện thi AP như các trường trung học khác ở Mỹ.
Những điểm làm nên sự khác biệt lớn nhất tại Putney là trường yêu cầu học sinh lao động trong quá trình học tập. Họ thay đổi công việc mỗi quý một lần nhằm đảm bảo việc hoàn thành 6 công việc ở 6 lĩnh vực trước khi tốt nghiệp.
6 công việc đó bao gồm nấu ăn, bồi bàn, làm việc chuồng trại, đội chế biến, đội dự bị và nhóm làm nông (trồng vườn, trồng trọt, lấy củi, chế tạo đường, chăm sóc cây cảnh, bảo trì đường)".
"Trong một ngày, học sinh có thể làm việc trong đội chuồng trại, hợp tác trong phòng thí nghiệm Hóa học, chuẩn bị cho cuộc tranh luận tại lớp Kinh tế học, tổ chức hội thảo cho Câu lạc bộ Nữ quyền. Các em cũng có thể tự rèn kiếm hoặc trao đổi hoạt động trong tuần với bạn cùng ký túc xá", đại diện nhà trường cho biết.
Một số học sinh chọn sống trong cabin nhỏ, không có điện và dùng củi để sưởi ấm. Một vài cabin được lắp tấm pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc chiếu sáng bên trong.
Không phải ai cũng có cơ hội học tập tại đây. Putney có tiêu chí tuyển sinh riêng. Theo Giám đốc truyền thông Michael Bodel, trường ưu tiên lựa chọn những em sẵn sàng và biết cách tự kiểm soát việc học của mình.
Hầu hết cựu học sinh đánh giá cao ngôi trường này. "Putney đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ không thể tìm thấy nơi nào khác cho phép tự thiết kế lớp học thiết kế thời trang, sống trong cabin nhỏ không điện, không nước, được phép đặt câu hỏi và nhận lại sự hỗ trợ nhiệt tình từ giáo viên, tham gia vào ban tuyển sinh, nấu món ăn cho bữa tối của toàn trường, thực hiện vô số điều thú vị khác", một cựu học sinh nhận xét về Putney trên Niche.