Hài hòa lợi ích

GD&TĐ - Ngành du lịch vốn “khát” nhân lực, nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trầm trọng hơn.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đặc biệt, lĩnh vực này rất cần người được đào tạo bài bản, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Từ đó đòi hỏi bài toán tổng thể với những giải pháp căn cơ, khoa học, ở đó có vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong tuyển sinh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: Du lịch cộng đồng, canh nông và du lịch sinh thái. Đặc điểm chung của loại hình này là được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công… của làng nghề truyền thống.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lợi ích kinh tế, vừa có vai trò to lớn trong giữ gìn cảnh quan làng quê, bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Trên hết là tăng thu nhập cho người dân trên chính mảnh đất quê hương, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn.

Tuy nhiên, nếu muốn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh, bền vững thì cần có đội ngũ “làm du lịch” chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Song thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch này còn thiếu cả lượng và chất. “Mảnh đất màu mỡ” này đang “khát” nhân lực trên nhiều phương diện từ quản lý, hoạch định chính sách, định hướng phát triển đến người thực hiện các dịch vụ lữ hành…

Giải quyết bài toán trên, hầu hết cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo ngành liên quan đến du lịch, khách sạn đã vào cuộc. Theo đó, các trường đều triển khai kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, từng bước lấp đầy khoảng trống nhân lực cho lĩnh vực này. Chúng ta từng có bài học đắt giá về đào tạo nhân lực, vì thế nếu không có chiến lược bài bản, khoa học có thể dẫn đến tuyển sinh đào tạo ồ ạt, “trăm hoa đua nở” và “mạnh ai nấy làm”.

Khi đó, “mảnh đất màu mỡ” sẽ bị “cày nát” và phá vỡ cấu trúc, bởi trường nào cũng muốn tuyển sinh được nhiều nhất có thể. Vô hình trung, đến một lúc nào đó, bài toán nhân lực sẽ có “nút thắt” mới, chẳng hạn như: Xuất hiện tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; hoặc thừa, thiếu cục bộ… Thậm chí, có thể xuất hiện kịch bản mới về nhân lực mà chúng ta chưa thể lường trước trong tương lai.

Do vậy, cùng với công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần có dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đây là căn cứ để các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và học sinh có định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Song, thiết nghĩ, giải pháp hữu hiệu là: Địa phương, doanh nghiệp có thể “đặt hàng” đào tạo với các trường. Giải pháp này vừa tối ưu nguồn lực còn giải mã được lo ngại về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và kịch bản xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Nói như Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc, bên cạnh những giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá thì nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn được coi như vấn đề then chốt để phát triển lĩnh vực này theo hướng xanh, bền vững; nhất là trong bối cảnh các địa phương đang đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ