Hải Hậu, Nam Định: Học sinh tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Bằng nhiều hoạt động thiết thực trong trường học cũng như tại địa bàn sinh sống, nhiều học sinh đã tự nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay từ những điều nhỏ nhất.

Các loại giấy vụn, vỏ lon, vỏ chai nhựa được học sinh tập hợp lại hàng ngày. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Các loại giấy vụn, vỏ lon, vỏ chai nhựa được học sinh tập hợp lại hàng ngày. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ý thức từ những điều nhỏ bé

Là đơn vị phát động nhiều phong trào về bảo vệ môi trường cho học sinh tại huyện Hải Hậu, Trường THCS Hải Lý đã áp dụng nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cả giáo viên và học sinh.

Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý - cho biết, vào giờ chào cờ hàng tuần, thầy Tổng phụ trách Đội tuyên truyền cho học sinh về việc xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. Theo đó, các em hiểu được vì sao phải xử lý rác thải tại nguồn? Cách nhận biết và lưu ý khi phân loại rác; Cách thu gom rác thải điện tử...

Cũng theo thầy Sơn, hàng năm Chi đoàn thanh niên của Đồn Biên phòng Văn Lý có chương trình tuyên truyền và thu gom rác thải để làm sạch bờ biển, Chi đoàn giáo viên và học sinh của trường cũng phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, nhà trường thường xuyên kết hợp với Huyện đoàn Hải Hậu tổ chức nhiều phong trào tương tự cũng như hoạt động thu gom rác thải để làm sạch môi trường. Nhà trường phát động phong trào phân loại rác, thu gom rác thải nhựa trong toàn thể học sinh. Việc thu gom được tiến hành hàng ngày tại trường học, gia đình, khu dân cư; định kỳ tại địa điểm công cộng.

Số tiền bán được từ vỏ nhựa, vỏ lon được nhà trường tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Số tiền bán được từ vỏ nhựa, vỏ lon được nhà trường tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh được khuyến khích phân loại rác ngay từ sinh hoạt trong gia đình, trong lớp học. Đặc biệt là khu vực ven đê biển, rác thải nhựa từ các nguồn cửa sông đổ ra rất nhiều, trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm môi trường, tất cả được học sinh thu gom lại. Sau khi phân loại, rác thải rắn có thể tái sử dụng và đem đến bỏ vào “Công trình măng non - Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” tại trường.

“Khi được thầy cô phân tích, các em tự tuyên truyền để nhắc nhở các bạn của mình cùng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Sau khi thu gom  vỏ chai lọ nhựa, lon nước uống ven đường, các em sẽ tập hợp lại vào nhà thu gom rác thải của trường. Sau khi gom đủ sẽ bán lấy tiền gây quỹ Đội để hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Đây thực sự là một điều tuy nhỏ thôi nhưng rất đáng quý”, thầy Sơn nói.

Học sinh Trường THCS Hải Lý trong một chuyến thu gom rác thải bên bờ biển Hải Lý cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Văn Lý. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Học sinh Trường THCS Hải Lý trong một chuyến thu gom rác thải bên bờ biển Hải Lý cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Văn Lý. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đổi mới tư duy đến hành động

Là người rất tâm huyết với công tác này, thầy Ngô Văn Đạt - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hải Lý - cho hay, hưởng ứng phong trào phát động của Hội đồng Đội huyện Hải Hậu về xây dựng công trình măng non kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội, thầy đã trình bày với Ban giám hiệu nhà trường về ý tưởng phát động phong trào bảo vệ môi trường và đã được đồng ý. Đội Thiếu niên Tiền phong nhà trường đã xây dựng một “ngôi nhà kế hoạch nhỏ” để phân loại rác nhằm bảo vệ môi trường.

Sau khi triển khai, tất cả đội viên đều tham gia tích cực, phân loại rác ngay tại các chi đội. Rác hữu cơ được xử lý làm phân bón cây, còn vỏ lon chai nhựa, giấy vụn sẽ tập kết về ngôi nhà kế hoạch nhỏ. Hàng tháng, thầy Đạt cùng giáo viên trực tuần và Liên đội trưởng gọi người tới mua phế liệu để bán lấy tiền mua vở tặng học sinh nghèo vượt khó. Tuy số tiền không nhiều nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Từ đó tạo cảnh quan lớp học, nhà trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Cũng theo thầy Đạt, trước đây học sinh trong trường có thói quen xả rác bừa bãi dù đã được thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Từ khi thực hiện mô hình “Công trình măng non - ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, ý thức của các em được cải thiện rõ rệt bằng việc bỏ rác đúng nơi quy định. Nhờ thực hiện tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ môi trường, ý thức của giáo viên, học sinh về tác hại của rác thải nhựa được nâng cao. Mỗi lớp đều đã được bố trí 2 sọt rác để học sinh để rác.

Ngoài ra, để hạn chế rác thải nhựa, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã yêu cầu đưa nội dung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức nguy cơ ô nhiễm nhựa vào chương trình giáo dục một cách phù hợp. Thầy cô giáo sẽ dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường “Nói không với rác thải nhựa” trong môn học. Xây dựng các chủ đề dạy học về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ biển đảo. Thường xuyên tổ chức các chuyên đề ngoại khóa về giáo dục bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Thế Hưng – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Hậu - cho biết, hoạt động giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch năm học được Phòng quán triệt tới các trường trên địa bàn. Với lứa tuổi học sinh, các thầy cô sẽ áp dụng nhiều phương thức giáo dục khác nhau, phù hợp với thực tế để ngay từ nhỏ, các em được nhận thức và có những thay đổi trong hành vi để bảo vệ môi trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ