Hải Dương lựa chọn SGK lớp 1 mới theo các tiêu chí nào?

Hải Dương lựa chọn SGK lớp 1 mới theo các tiêu chí nào? ảnh 1
Bà Hoàng Thị Hưng - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Dương

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Bà Hoàng Thị Hưng - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Dương về công tác lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình GDPT 2018.

Công khai, minh bạch

Thưa bà, tỉnh Hải Dương đã ban hành Tiêu chí lựa chọn SGK, vậy Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn như thế nào để các nhà trường triển khai công tác này, những điểm nào đáng lưu ý trong hướng dẫn để đảm bảo công khai, minh bạch trong lựa chọn SGK?

Tại công văn số 339 ngày 6/4, Sở GD&ĐT Hải Dương đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các nhà trường thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn tại Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT; Đặc biệt lưu ý những nội dung theo điều 4,5,6,7 của Thông tư để thành lập hội đồng đảm bảo đủ, đúng cơ cấu và thành phần, thực hiện theo đúng nguyên tắc làm việc của Hội đồng. 

Sở đã thiết kế một số mẫu phiếu dùng cho Tổ chuyên môn, Hội đồng tham khảo khi thiết lập các văn bản trong quá trình làm việc. Kết thúc quá trình lựa chọn của từng khâu, các trường phải lưu giữ toàn bộ văn bản theo quy định. Sở đã quán triệt việc lựa chọn SGK phải thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định.

Chú ý đến các yếu tố đặc thù của giáo dục địa phương

Để những bộ SGK được lựa chọn là những sách phù hợp, có chất lượng nội dung, Sở đã đưa ra những tiêu chí lựa chọn như thế nào? Vì sao phải có những điều kiện này, thưa bà?

Sở GD&ĐT đã xây dựng và tham mưu cho ban hành Tiêu chí lựa chọn SGK, với 2 Tiêu chí chính là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT - vì đây là những điều kiện phù hợp với đặc điểm kinh tế cũng như giáo dục của tỉnh.

Hải Dương lựa chọn SGK lớp 1 mới theo các tiêu chí nào? ảnh 2
Giáo viên các nhà trường cân nhắc, lựa chọn SGK lớp 1 mới dựa trên các tiêu chí, yếu tố phù hợp với đặc thù của địa phương. Ảnh minh họa: Việt Hà

Đối với Tiêu chí Phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương, chúng tôi quan tâm đến nội dung sau: Nội dung SGK phải phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của tỉnh Hải Dương; tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương; phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện dạy và học của nhà trường;

Đối với tiêu chí Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT, chúng tôi quan tâm đến các nội dung sau: SGK phải phù hợp với việc học của học sinh về 3 yếu tố: Hình thức, nội dung, cấu trúc. Cụ thể là:

Yếu tố Hình thức: SGK được trình bày hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh; sắp xếp cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính khoa học, chính xác, thẩm mĩ, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cha mẹ có thể tham khảo SGK để hỗ trợ cho con học tập ở nhà.

Yếu tố Nội dung: Nội dung SGK đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy và học, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình; chú trọng đến việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới thông qua các nhiệm vụ học tập đưa ra cho học sinh trong mỗi bài học. Nội dung SGK đảm bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, tính khả thi có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh của nhà trường.

Yếu tố Cấu trúc: Cấu trúc mỗi bài học/chủ đề trong SGK phải được thiết kế đúng trọng tâm, tránh dàn trải nhằm thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện khả năng hợp tác, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập của học sinh.

Sách phải phù hợp với việc tổ chức dạy học của nhà trường bao gồm việc sắp xếp các chủ đề, bài học trong sách cũng như nội dung của các bài có tính tích hợp, gắn với thực tiễn và giáo viên dễ sử dụng. Cụ thể là: Các chủ đề/bài học trong SGK được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực, linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy năng lực học tập của mọi đối tượng học sinh.

Nội dung SGK đảm bảo tính tích hợp kiến thức liên môn, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết với thực tiễn cuộc sống của học sinh tại địa phương; tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch và hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khai thác và sử dụng các tư liệu, đồ dùng, trang thiết bị dạy học tại nhà trường đạt hiệu quả.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến các yếu tố đi kèm với SGK, đó là phương pháp bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, nguồn tài nguyên, học liệu điện tử của các bộ sách.

Theo kế hoạch, đến khi nào Sở thông tin các NXB có SGK được chọn, Sở có kế hoạch như thế nào với các đơn vị này để đảm bảo các đầu SGK được chọn được cung ứng đầy đủ trước năm học mới?

Sau khi các trường hoàn thành việc lựa chọn, dự kiến, danh mục lựa chọn SGK lớp 1 mới sẽ được các Phòng GD&ĐT báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 3/5; Sở sẽ tập hợp danh mục SGK từ các Phòng GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và thông tin cho các NXB thực hiện các công việc tiếp theo. Dự kiến 15/8 các NXB phải hoàn thành công tác cung ứng đầy đủ số lượng theo SGK được chọn cho các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ