Hai đại học quốc gia nêu nhiều kiến nghị cho lộ trình phát triển

GD&TĐ - Chiều 22/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc cùng ĐHQG TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội về nhiều vấn đề, trong đó có định hướng phát triển và các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, PGS-TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM đã nêu những kiến nghị của ĐH này với Chính phủ.

Thứ nhất, Chính phủ ủng hộ và sớm ban hành Nghị định về ĐHQG, Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Thứ 2, Chính phủ ủng hộ ĐHQG xây dựng cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) để thực thi tự chủ đại học trong bối cảnh còn nhiều quy định pháp lý khác cản trở tiến trình tự chủ đại học, trình Thủ tướng ra quyết định.

Thứ 3, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt giao bổ sung thêm kinh phí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao nhiệm vụ, đặt hàng ĐHQG TP.HCM thực hiện các chương trình, đề án, dự án chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ 4, Chính phủ ủng hộ và phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe và Trường Đại học Công nghệ Môi trường là trường đại học thành viên ĐHQG TP.HCM.

Thứ 5, Chính phủ ủng hộ chủ trương có phiên họp thường niên giữa Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT và hai ĐHQG do Chính phủ chủ trì để bàn về các kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. 

Phía ĐHQG Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó giám đốc thường trực cũng có những kiến nghị liên quan đến đề án thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG, chương trình tài năng trong đó tích hợp các kiến thức liên ngành với nhau.

Đặc biệt, ông Hải đề xuất xây dựng một chương trình có thể luân chuyển cán bộ, trao đổi sinh viên và quỹ học bổng sinh viên để trao đổi người học giữa 2 ĐHQG với nhau.

Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 2 ĐHQG
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 2 ĐHQG

Hai ĐHQG cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về ĐHQG, Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên; Ủng hộ ĐHQG cùng tham gia, xây dựng và triển khai các đề án do Bộ GD&ĐT chủ trì như: Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030; Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.   

Chia sẻ về mục tiêu Khoa học & Công nghệ, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cần ủng hộ hai ĐHQG xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ chung, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Giao ĐHQG TP.HCM xây dựng cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) để thí điểm triển khai một số nội dung về khoa học công nghệ như: (1) Khai thác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; (2) Khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, cho phép thử sai, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học; (3) Xây dựng thị trường khoa học công nghệ đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục ủng hộ ĐHQG TP.HCM chủ trì/đồng chủ trì chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.