Hai anh em song sinh lấy hai chị em song sinh ở Cà Mau giờ ra sao?

Sau hơn 3 năm về sống chung một mái nhà, 2 cặp vợ chồng song sinh (2 anh em song sinh lấy 2 chị em song sinh) ở miền Tây đã có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.

Hai anh em song sinh lấy hai chị em song sinh - Ảnh: Gia đình cung cấp.
Hai anh em song sinh lấy hai chị em song sinh - Ảnh: Gia đình cung cấp.

Họ đã hạ sinh được 2 nhóc tì rất kháu khỉnh, đáng yêu và giống nhau như khuôn đúc. Theo các ông xã, trong quá trình sống chung nhà, đôi khi cũng "nhìn lầm đối phương"!

2 cặp sinh đôi lấy nhau là do duyên số

Thông qua sự chỉ dẫn của lãnh đạo UBND xã Lâm Hải, H.Năm Căn (Cà Mau), PV di chuyển bằng đò dọc (phương tiện chở khách trên sông ở miền Tây) luồn lách qua những con kênh rạch, heo hút trong rừng để tìm đến nhà của 2 anh em song sinh Châu Diễm Kỳ - Châu Diễm Phong (26 tuổi, ngụ ấp Xẻo Lớn, xã Lâm Hải). 2 anh em này đã lấy 2 chị em song sinh Lê Ngọc Huyền - Lê Huyền Trân (21 tuổi) 3 năm về trước.

Căn nhà cấp 4 được dựng cạnh bờ sông là nơi trú ngụ của các thành viên trong gia đình của 2 anh em Kỳ - Phong…

Khi nói về lý do vì sao gia đình may mắn cưới được 2 cô dâu sinh đôi, ông Châu Văn Tuấn - 52 tuổi, cha ruột hai anh Kỳ - Phong - chia sẻ: “Chỉ là tình cờ thôi, lần đó tôi thường xuyên đi đám ở ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, H.Cái Nước thì có nghe đứa em nó nói, ở xóm có cặp sinh đôi nữ xinh xắn, dễ thương dữ lắm. Khi đó 2 cháu chỉ mới 16 tuổi thôi nên tôi cũng không quan tâm, để ý nhiều”.

Ông Tuấn cho hay, mãi cho đến 2 năm sau, trong một lần đi đám ở nhà người quen ở Rau Dừa, lúc này 2 cô gái đã tròn 18 tuổi và đủ tuổi để kết hôn thì ông Tuấn mới tò mò, muốn xem mắt 2 “nàng dâu tương lai”.

“Lúc đó, tôi mới thấy mặt 2 cháu gái, các cháu xinh xắn lắm, lần đầu tiên nhìn là tôi đã chấm cho 2 con tôi rồi”, ông Tuấn thuật lại.

Theo ông Tuấn, việc tìm hiểu và tiến đến hôn nhân của các con ông giống như là duyên số và có sự sắp đặt trước vậy. Bởi trước đó, 2 vợ chồng người chị ruột ông Tuấn có đôn đốc, tác động 2 anh Kỳ - Phong đi cưới vợ nhiều lần, mà các anh cứ dùng dằng không chịu.

Ông Châu Văn Tuấn kể về các con - Ảnh: Duy Trần.
Ông Châu Văn Tuấn kể về các con - Ảnh: Duy Trần. 

“Lúc đó, cô với dượng nó có điện thoại nói với tôi rằng: "Con mày mà mày không chịu kêu nó đi cưới vợ?". Tôi mới trả lời anh rể: “Ai biết đâu tụi nó, tôi có kêu nhưng tụi nó không chịu thì ông kêu tôi cưới là cưới cái gì bây giờ”.

Nhưng sau đó, tôi gặp 2 cô con dâu và có nói với 2 đứa con: "Bây giờ cha cưới vợ cho tụi mày đó, tụi mày chịu không?", thì 2 đứa con nói là theo ý tôi. Sau đó, tôi đưa 2 đứa con trai lên làm quen rồi các cháu thích và cưới nhau luôn”, ông Tuấn nói.

2 bên gia đình đều thống nhất cho 4 cháu đến làm quen và các cháu chịu luôn, chỉ trong vòng khoảng 2 tháng là 2 bên gia đình tổ chức lễ cưới cho các cháu.

Cũng theo ông Tuấn, đấy là duyên phận, chứ hồi trước ở địa phương cũng có cặp nữ sinh đôi và gia đình hẹn ước kết thông gia, nhưng thời điểm đó chỉ mới vài tuổi đầu và chỉ “cà rỡn” nhau thôi. Được biết, bây giờ cặp nữ này đã có chồng ở TP.Cà Mau.

Đôi khi trong cơn say cũng "nhìn lầm đối phương"!

Ông Tuấn khẳng định, cả 2 con ruột lẫn 2 con dâu song sinh của ông đều rất giống nhau, người bên ngoài rất khó phân biệt được đâu là anh/chị và đâu là em.

Hiện ông Tuấn đã có được 2 đứa cháu nội, một điều trùng hợp là 2 cháu này lại rất giống nhau như sinh đôi, mặc dù, 2 cháu sinh cách nhau khoảng 2 tháng.

Điều này cũng dễ lý giải, vì cha mẹ các cháu đã giống nhau như đúc.

PV đặt câu hỏi, 2 người giống nhau như vậy thì gia đình làm sao phân biệt được? Ông Tuấn cười hiền và cho rằng, ban đầu khi mới cưới dâu về thì có nhìn và gọi nhầm lên 2 cô dâu đôi lần, nhưng sống trong nhà lâu thì cũng quen, nên phân biệt được hết.

“Có nhầm thì nhầm con dâu thôi, do các cháu ăn mặc giống nhau rồi tôi gọi lộn chứ không có gì. Còn 2 đứa con trai tôi thì qua tiếng nói, ngoại hình tôi phân biệt được. 2 đứa con dâu của tôi thì sau này, đứa lớn nhuộm tóc hơi vàng, còn đứa em thì để tóc đen cho dễ phân biệt”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, dù rất giống nhau nhưng cả 2 anh em Kỳ - Phong cũng có vài điểm khác biệt để nhận biết.

Ngoài giọng nói thì gương mặt của anh Kỳ tương đối tròn, đầy đặn hơn gương mặt của anh Phong. Ngày còn sống, mẹ của 2 anh này đã mua vòng để đeo cho mỗi người 1 chiếc ở tay, anh Kỳ đeo vào tay phải, còn anh Phong thì đeo tay trái, mục đích là để người trong xóm dễ phân biệt.

Bên cạnh đó, mái tóc của 2 anh em Kỳ Phong cũng khác, anh Kỳ thì tóc nhuộm màu sậm một chút, còn anh Phong thì để đen. Riêng 2 nàng dâu cũng vậy, chị Huyền thì cũng có gương mặt hơi tròn, còn chị Trân thì gương mặt dài.

Chị Huyền, vợ anh Kỳ, cùng đứa con - Ảnh: Duy Trần.

Chị Lê Ngọc Huyền (21 tuổi, vợ anh Kỳ) cười: “Có 2 anh chồng nhậu say về hay nhìn nhầm lắm, chứ bình thường thì các anh không lầm. Các anh say về tưởng người kia là vợ mình nên có cách ứng xử nhầm. Nhưng khi nói chuyện, tôi nghe không đúng chồng mình thì tôi bỏ đi à, chứ không trả lời lại.

Còn 2 chị em tôi, thì đã quen ngay từ những ngày cưới về ở chung với nhau nên chưa bao giờ nhận lầm chồng bởi qua gương mặt và giọng nói của 2 người nên dễ phân biệt lắm”.

Chị Huyền còn cho hay, đối với người trong nhà do thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với “đối phương” lâu dần thành quen, nên thấy không giống. Riêng đối với người lạ, lâu lâu đến nhà một lần thì họ thường nhầm lẫn người này là người kia.

“Nếu 2 chị em có mặt cùng lúc thì người ta phân biệt được, còn nếu gặp 1 trong 2 người thì khó khân biệt dữ lắm, thường hay nhầm lẫn”, chị Huyền nói.

Anh Phong (chồng chị Huyền Trân) cho biết, bình thường thì 2 anh em làm việc ở trại giống để trông tôm đẻ, đến khi tôm giống xuất trại thì các anh mới về nhà với vợ con.

“Ngày mới cưới, cứ mỗi lần nhậu say về nhà là tôi nhận nhầm vợ mình. Nhưng mỗi lần nói chuyện, tôi thấy “đối phương” lẳng lặng bỏ đi là biết mình nhầm rồi.

Nhưng do say, nên sáng hôm sau nghe vợ kể thì tôi ngượng ngùng vô cùng. Nhưng đó chỉ là trong những lần nhậu say, chứ bình thường thì không có và chỉ dừng lại chuyện nhầm ở những câu nói, chứ chưa đi quá giới hạn”, anh Phong cho biết.

Ông Trần Thanh Dân, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Xẻo Lớn, cho biết: “Mặc dù ở cùng xóm, nhưng thật sự ra mà nói thì tôi cũng không phân biệt được, các cháu giống nhau dữ lắm. 2 thằng con trai ở đây hồi đó giờ, và là cháu tôi nữa, nhưng tôi vẫn nhầm, nó giống hệt à, không có cách nào phân biệt được hết. Trừ ra là người trong nhà thôi, chứ chòm xóm lâu lâu gặp thì mình không phân biệt được”.

Gia đình gặp nhiều may mắn

Theo đánh giá của người dân địa phương, đây là trường hợp rất hiếm gặp và có thể nói rằng, toàn tỉnh Cà Mau rất khó tìm được cặp đôi song sinh nào thứ 2 như trường hợp của vợ chồng anh Kỳ - Huyền và Phong - Trân.

Theo ông Tuấn, từ khi 2 con ông cưới được 2 cô con dâu này thì gia đình luôn gặp nhiều may mắn, công việc làm ăn rất thuận lợi.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Ngày trước, tôm nuôi ở nhà thường hay mất mùa, nhưng một điều lạ là từ khi tôi có được 2 nàng dâu này, thì vuông tôm luôn trúng mùa, gia đình có dư dả hơn.

Bà con lối xóm luôn ganh tị với tôi, và cho rằng gia đình tôi may mắn lắm mới có được 2 cô con dâu vừa xinh, lại vừa giỏi”.

Hai cặp đôi trong ngày cưới - Ảnh: Duy Trần.

Ông Trần Thanh Dân, còn cho hay: “Đợt đám cưới của 2 anh em Kỳ, Phong, người dân địa phương đến chung vui nhiều lắm. Họ rất hiếu kỳ vì trước giờ ở địa phương chưa có đám cưới nào như vậy. Đấy là điều lạ, hiếm gặp nếu ai cưới được thì đó là duyên số và sẽ rất may mắn”, ông Dân khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV, từ lúc lấy nhau đến giờ, 2 cặp vợ chồng sinh đôi này chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích với nhau.

“Vợ chồng tôi và vợ chồng chị tôi sống với nhau rất hòa thuận, chu toàn mọi thứ trong nhà, chứ chưa bao giờ làm mất lòng nhau”, chị Lê Huyền Trân (vợ anh Phong) khẳng định.

Ông Tôn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải, cho biết, ngày đám cưới của 2 cặp đôi song sinh ông có dự và đánh giá rằng 2 cặp đôi này rất đẹp người.

“Từ đó đến nay tôi chưa bao giờ nghe hàng xóm đồn đoán là những cặp đôi này nhìn người này mà ra người kia. Đây là trường hợp rất hiếm thấy và ở xã này chỉ có 1 trường hợp duy nhất”, ông Tiến cho biết.

Theo motthegioi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.