Nằm trong chương trình của lễ hội, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), ngày 22/2, Bộ Y tế và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lễ dâng hương có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo các cục, vụ, viện; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cùng lãnh đạo một các sở ngành, huyện Hương Sơn.
Các lãnh đạo dâng hương tại mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. (Ảnh: Bích Hường) |
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (sinh năm Giáp Thìn 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương), nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Năm 2024 là tròn 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Việc UNESCO vinh danh ông là một sự ghi nhận to lớn đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.
Với những đóng góp to lớn cho dân tộc, sau khi Lê Hữu Trác mất, hằng năm, vào dịp ngày giỗ của ông, người dân Hương Sơn tề tựu dâng hương, hoa làm lễ tế bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức của vị danh y.
Nhiều học sinh tham gia Lễ rước Đại danh y Lê Hữu Trác. (Ảnh: Bích Hường) |
Về sau, người dân cũng tổ chức nhiều hoạt động hội với các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí sôi nổi, vui chơi trong dịp đầu xuân.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người dân vùng lân cận nói riêng và Hương Sơn nói chung.
Năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau lễ rước, huyện Hương Sơn đã tổ chức dâng lễ tế Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 233 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác. (Ảnh: Bích Hường) |
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn gọi là Lễ hội cầu sức khỏe được diễn ra từ ngày 17- 24/2 (tức ngày 8-15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Giêng hằng năm với lễ dâng hương tại khu mộ, nhà thờ; lễ rước từ khu mộ về nhà thờ; lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn.
Bên cạnh phần lễ là phần hội, gồm nhiều trò chơi dân gian, hội thi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, Giải việt dã leo núi tại Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Trác, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các địa phương trên địa bàn…
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh y lỗi lạc nhất trong lịch sử y học dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp với nền văn hóa dân tộc.
Ông để lại cho đời sau sự nghiệp trước tác đồ sộ trên nhiều lĩnh vực như: y học, văn học, triết học, dân tộc học… Ông thật sự là một nhà khoa học lớn của dân tộc ta trong thế kỷ 18, người đã cống hiến cả đời mình cho nền văn hóa, khoa học dân tộc, cho sức khỏe nhân dân.
Tại phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 được tổ chức ngày 21/11/2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025,” trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.