Thực trạng cần báo động
Thời gian qua, tình trạng vi phạm và tai nạn giao thông liên quan tới lứa tuổi học sinh ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp. Trong đó, có những vụ tai nạn nghiêm trọng khiến các em tử vong hoặc thương tật nặng, để lại nỗi đau cho gia đình và những hệ lụy lâu dài.
Vụ tai nạn giao thông vào ngày khai giảng năm học mới trên Quốc lộ 15 đoạn qua xã Hà Linh, huyện Hương Khê khiến 2 người tử vong (trong đó có 1 nữ sinh lớp 12 ở huyện Hương Khê và nam sinh lớp 12 đang theo học tại một trường nghề tại TP Hà Tĩnh) khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Lúc 5 giờ 30 phút ngày 5/9, nam sinh T.H.Đ. (SN 2006, trú xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) điều khiển xe mô tô chở theo nữ sinh P.H.N. (SN 2007, trú xã Hương Liên, Hương Khê) di chuyển trên Quốc lộ 15 (còn gọi là Quốc lộ 15A) theo hướng từ TP Hà Tĩnh đi huyện Hương Khê. Xe mô tô do anh Đ. cầm lái đã xảy ra va chạm trực diện với ô tô chạy hướng ngược lại.
Vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh P.H.N. tử vong tại chỗ, nam sinh T.H.Đ. được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.
Vào cuối tháng 5/2024, tại tuyến đường Hà Hoa đoạn qua thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) cũng đã xảy ra vụ 3 nam sinh đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Kỳ Anh. Họ chở nhau đi trên xe mô tô rồi tông vào bồn hoa cây cảnh bên đường và cổng nhà một hộ dân khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng.
Thời điểm xảy ra vụ việc, nam sinh N.Q.A. (người bị tử vong) - người được xác định cầm lái xe mô tô nhưng không có giấy phép lái xe theo quy định.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, tính từ cuối tháng 12/2023 đến cuối tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 37 vụ TNGT liên quan tới lứa tuổi học sinh (từ 6 tới dưới 18 tuổi) làm 15 em tử vong, 35 em bị thương.
Mặc dù liên tiếp các vụ tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra trên địa bàn song ý thức về hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân và người tham gia giao thông vẫn đang được nhiều học sinh, nhất là học sinh bậc THCS, THPT ở Hà Tĩnh xem nhẹ.
Việc học sinh chưa đủ điều kiện nhưng vẫn điều khiển xe máy điện, xe gắn máy, thậm chí cả mô tô tới trường; không đội mũ bảo hiểm; chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông... vẫn diễn ra thường xuyên.
Thầy Trần Ngọc Quân, Bí thư Đoàn Trường THPT Hương Khê cho biết, nhà trường thường xuyên yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định ATGT, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo nội quy.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng học sinh đối phó như đến cách cổng trường vài chục mét mới đội mũ bảo hiểm. Nhiều học sinh chưa đủ điều kiện vẫn đi xe gắn máy đến gửi ở các nhà dân để đối phó với thầy, cô.
Quyết liệt tuyên truyền và xử lý nghiêm
Việc thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức cùng kỹ năng khi tham gia giao thông chính là mối nguy tiềm ẩn xảy ra TNGT ở lứa tuổi học sinh. Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới” đã được ban hành.
Trên tinh thần này, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, kỹ năng tham gia giao thông phù hợp với từng nhóm lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Như ngày 9/9, tại Trường THPT Hương Khê, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Hương Khê và nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật ATGT đến gần 1.900 học sinh.
Tại buổi tuyên truyền, các cán bộ công an đã nêu rõ những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông; hậu quả, di chứng, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội.
Một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô chở 3 chở 4, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông... giới thiệu các quy tắc khi tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.
Từ những số liệu cụ thể, các vụ tai nạn thực tế, các quy định được công an phổ biến đã giúp học sinh ở huyện Hương Khê hiểu biết hơn về luật giao thông, nhận thức tầm quan trọng của ATGT, có ý thức trách nhiệm cao hơn.
Thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết, phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, xây dựng “văn hóa giao thông” được xác định là biện pháp quan trọng, góp phần giúp các em nâng cao ý thức từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
“Vì vậy, nhà trường thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT thông qua các hoạt động ngoại khóa, trong giờ chào cờ và sinh hoạt lớp; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống như kỹ năng tự bảo vệ bản thân, đảm bảo ATGT; lấy việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và đảm bảo ATGT của học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá rèn luyện”, thầy Cương chia sẻ.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, rất cần có sự vào cuộc tích cực từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội giúp các em thay đổi nhận thức, hành vi để tham gia giao thông an toàn.
Thượng tá Phan Hồng Thái, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT Công an tỉnh cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, nhất là các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ quy định; các trường hợp phụ huynh giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.