Hà Tĩnh: Nhà phao - phương tiện 'cứu sinh' vùng rốn lũ

GD&TĐ - Để bảo vệ tính mạng và tài sản, người dân xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) đã xây dựng những căn nhà phao an toàn, vượt qua nhiều trận lũ lớn.

Người dân xã Điền Mỹ 'thích ứng linh hoạt' trong nhà phao mỗi lần nước lũ ngập. Ảnh: T.H
Người dân xã Điền Mỹ 'thích ứng linh hoạt' trong nhà phao mỗi lần nước lũ ngập. Ảnh: T.H

Trường kỳ “sống chung với lũ”

Xã Điền Mỹ nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là xã miền núi nhưng lại là vùng thấp, trũng. Mỗi năm, nơi đây phải hứng chịu nhiều đợt lũ lụt, nên cũng được coi là vùng “rốn lũ” của Hà Tĩnh.

Mỗi khi nhắc đến lũ, hầu như người dân xã Điền Mỹ vẫn không thể nào quên trận “đại hồng thủy” năm 2010. Trận lũ vào hạ tuần tháng 10 năm ấy khiến 20% các hộ dân ở đây trắng tay, 60% nóc nhà bị ngập sâu trong lũ. Chưa đầy 1 tuần sau thì trận lũ thứ hai lại ập đến, dữ dằn nhấn chìm 631 hộ dân trong biển nước mênh mông. Những gì còn sót lại từ cơn lũ trước đã theo dòng lũ này trôi sạch.

Bà Nguyễn Thị Hồng (54 tuổi) nhớ lại, trận lũ năm 2010 đã cuốn đi hết thóc gạo, vật nuôi, của cải tích cóp hàng chục năm của gia đình bà. Để giữ được tính mạng, vợ chồng bà Hồng và con cái phải co ro trong chiếc thuyền neo vắt vẻo vào thân cây, nới lên dần theo mực nước.

“Thiệt hại do trận lũ năm 2010 gây ra khiến gia đình tôi phải mất nhiều năm sau mới dần ổn định lại được cuộc sống. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền và các tấm lòng hảo tâm thì đến nay có thể chưa vực dậy nổi”, bà Hồng bùi ngùi nói.

Còn ông Nguyễn Văn Khánh (73 tuổi) người đã có thâm niên sống chung với số trận lũ nhiều hơn tuổi đời của mình ở vùng đất xã Điền Mỹ cho hay: Dù ở nơi thường xuyên ngập lụt, hàng năm phải hứng 2 - 3 trận lũ lớn nhỏ, nhưng bù lại sau mỗi trận ngập thì đất đai, ruộng đồng được bồi đắp phù sa màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất hoa màu nên người dân vẫn cố gắng bám trụ.

“Từ xưa, cha ông ở đây cứ nghĩ làm để đủ ăn chứ chưa đặt nặng về việc tích cóp cho tương lai. Điều kiện đi lại trước đây cũng khó khăn nên khi sản xuất ở đâu thì người ta muốn làm nhà sinh sống ở đó cho thuận tiện. Vì nơi mà cha ông chọn ở vùng thấp trũng nên từ khi lọt lòng, người dân chúng tôi đã phải tập sống chung với lũ, vượt khó để sinh tồn”, ông Khánh chia sẻ.

Trước những hậu quả mà lũ lụt gây ra cho người dân xã Điền Mỹ, năm 2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho nhân dân.

Theo phê duyệt, dự án triển khai đến năm 2019 phải hoàn thiện để đưa 165 hộ dân về tái định cư. Nhưng thực tế từ cuối năm 2016 nhiều người dân đã chủ động bỏ tiền ra đầu tư nhà chòi tránh lũ kiên cố.

Hơn nữa, khi cả hộ gia đình di dời lên chỗ ở mới thì phần đất ở cũ sẽ được chuyển đổi mục đích thành đất trồng cây lâu năm nên nhiều người dân còn nhiều băn khoăn, thấy chưa thỏa đáng. Đến nay, chỉ mới 3 hộ dân di chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư.

ha-tinh-nha-phao-phuong-tien-cuu-sinh-vung-ron-lu-2-2833.jpg
Trong nhà phao có thể chứa được nhiều vật dụng, thuận tiện cho cả gia đình sinh hoạt khi nước lũ dâng lên.

“Thích ứng linh hoạt” nhờ nhà phao

Để bám trụ lại vùng thường xuyên ngập lụt, dù người dân xã Điền Mỹ đã chủ động xây chòi tránh lụt kiên cố, song không phải hộ dân nào cũng có điều kiện kinh tế để xây dựng.

Cùng với việc vận chuyển, mọi mặt sinh hoạt không thuận tiện nên vài năm trở lại đây, người dân ở đây đã tìm hiểu và xây dựng những căn nhà phao để vừa làm nơi “trú ẩn” cho các thành viên trong gia đình, vừa là nơi cất giữ các tài sản mỗi khi nước lũ dâng cao.

Những chiếc nhà phao được thiết kế khá đơn giản, gồm phần khung được làm bằng thép cố định, phía dưới được gắn các thùng phuy thể tích 200 lít kết nối với nhau. Bốn góc của căn nhà phao được neo giữ vào 4 cột trụ chắc chắn.

Phần kết nối giữa nhà phao và các cột trụ có thể trượt lên trượt xuống, giúp căn nhà nổi lên hạ xuống theo con nước. Nhà phao được thưng bằng hệ thống tôn cho kín. Khi mùa mưa lũ đến, những chiếc thùng phuy như là chiếc phao giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên.

ha-tinh-nha-phao-phuong-tien-cuu-sinh-vung-ron-lu-1-8403.jpg
Nhà phao tránh lũ của người dân xã Điền Mỹ được xây dựng với chi phí khoảng 40 - 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (56 tuổi, xã Điền Mỹ) chia sẻ: Trước đây, hễ cứ sắp đến mùa mưa lũ, người dân nơi đây lại mất ăn mất ngủ vì lo lắng, xoay xở tìm nơi cất, gửi tài sản, đồ đạc… Thế nhưng, từ khi có những căn nhà phao, người dân đã yên tâm và chủ động ứng phó linh hoạt hơn khi mùa mưa lũ về.

“Để làm một căn nhà phao cần số tiền khoảng 40 - 60 triệu đồng, tùy vào diện tích mỗi căn nhà. Cứ đến mùa mưa lũ, nghe dự báo thời tiết sắp có mưa to là chúng tôi khẩn trương vận chuyển các tài sản lên trên nhà phao. Khi lũ đổ về, nước dâng cao là nhà phao sẽ tự nổi.

Các thành viên trong gia đình và tài sản đều được đảm bảo an toàn. Trên nhà phao có đầy đủ lương thực và nước uống nên có thể ở cả tháng cũng không vấn đề gì”, ông Nghĩa cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Trung Thiện (43 tuổi, xã Điền Mỹ) cho biết, gia đình vừa làm căn nhà phao rộng khoảng 30m2. Ngôi nhà có thể chịu được tải trọng lên đến 6 tấn. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình thì còn có thể chứa được đồ đạc, tài sản khi mùa lũ về.

“Trước đây, không có nhà phao, mỗi kỳ mưa lũ về chúng tôi chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”. Khi nước rút người dân trở về nhà thì tài sản đã bị ngâm trong nước lũ, hư hỏng hết, nhất là lúa gạo. Từ khi tìm ra giải pháp dựng nhà phao, nó như là vị cứu tinh của người dân trong mùa mưa lũ. Giờ chỉ cần nghe dự báo, biết là nước sắp dâng lên là chúng tôi chủ động, khẩn trương đưa gia đình, tài sản lên nhà tránh lũ, an toàn hơn nhiều”, anh Thiện tâm sự.

Ông Hoàng Xuân Tần - Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết: Nhà phao được làm sát với nhà ở của dân, nên rất tiện và chủ động di chuyển người và tài sản khi mùa mưa lũ về. Chi phí làm nhà phao không quá lớn nên trong thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân làm nhà phao để “sống chung với lũ” một cách an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.

Trường nội trú cho trẻ mới biết đi

GD&TĐ - Ở Lesotho, quốc gia miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân.

Ảnh: Quốc Bình

Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.