Hà Tĩnh: Nhan nhản bãi rác thải xây dựng bên đường

GD&TĐ - Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi ở thành phố Hà Tĩnh.

Rác thải xây dựng được tập kết trên tuyến đường Ngô Quyền (TP Hà Tĩnh).
Rác thải xây dựng được tập kết trên tuyến đường Ngô Quyền (TP Hà Tĩnh).

Nhiều tuyến đường xa khu dân cư, trên các lề đường, vỉa hè, các bãi đất trống, rác thải xây dựng được đổ bừa bãi, chất từng đống. Tình trạng đổ trộm phế thải khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khỏe người dân…

Nhiều năm qua, hai bên vỉa hè dọc tuyến đường Ngô Quyền nối từ Quốc lộ 1A đến cầu Thạch Đồng (thuộc xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) trở thành điểm tập kết rác thải xây dựng. Gạch ngói, bê tông và các phụ phẩm được chất thành đống tại hai bên tuyến đường không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn đánh mất mỹ quan đô thị.

Phế thải xây dựng được tập kết ngổn ngang tại các tuyến đê, khu tiểu thủ công nghiệp, các tuyến đường ven đô hay bất kỳ bãi đất trống nào đều có thể trở thành điểm tập kết rác thải xây dựng. Hàng loạt đống đất, đá to nhỏ nằm ngổn ngang được chuyển đến từ các công trình xây dựng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn các phường trung tâm thành phố.

Bà Dương Thị Nga (thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tình trạng người dân vùng khác đến đây đổ phế thải đã diễn ra nhiều năm qua. Họ thường tranh thủ đêm tối, ngày nghỉ để đổ trộm phế thải xây dựng. Mỗi lần đi thể dục qua đây, chúng tôi rất khó chịu vì gây mất mỹ quan đường phố”.

Để hạn chế vấn nạn trên, chính quyền địa phương đã lắp đặt camera và cắm biển cảnh báo, tuy nhiên biển thì cứ cấm trong khi rác vẫn được đổ chất đống. “Những khu vực đổ rác thường khuất khu dân cư. Các đối tượng tranh thủ thời điểm vắng người như tờ mờ sáng hoặc tối muộn nên rất khó phát hiện để xử lý”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đồng Môn thông tin.

Theo thống kê, mỗi năm TP Hà Tĩnh phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải xây dựng. Nhưng hiện trên địa bàn TP Hà Tĩnh chưa có bãi tập kết rác thải xây dựng tập trung, trên địa bàn cũng chưa có đơn vị nào được giao nhiệm vụ thu gom rác thải xây dựng.

Việc xử lý các loại rác thải này cũng gặp khá nhiều khó khăn đối với các hộ dân xây dựng cải tạo nhà, đa phần lượng rác thải này được đổ bỏ tùy tiện làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Để giảm chi phí xử lý rác thải xây dựng, không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình đã tìm mọi cách đổ trộm ra đường, khu vực đất trống, ao hồ, nơi thưa dân cư… Trong khi trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa quy hoạch được các bãi tập kết rác thải xây dựng.

Thời gian qua, UBND TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phường, xã và cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng này nhưng vẫn chỉ mang tính chất tạm thời.

Để giải bài toán rác thải xây dựng, UBND TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai xây dựng bãi tập kết rác thải xây dựng tập trung tại phường Đại Nài.

Quy mô dự án gần 5ha với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần xử lý bùn đất từ các hệ thống thoát nước đạt công suất 43m3/ngày đêm, xử lý đất, cát, các thành phần vô cơ như sành, sứ, thạch cao, gỗ, thủy tinh… đạt công suất 50m3/ngày đêm.

Ông Thân Viết Văn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hà Tĩnh, cho biết, mục tiêu đến tháng 6/2022 sẽ đưa dự án vào vận hành, đến năm 2023 đưa vào vận hành chính thức sẽ đáp ứng được việc xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.

Khi đi vào hoạt động, công trình có thể xử lý các loại rác thải xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh như: Sành sứ, thạch cao, ván gỗ, thủy tinh… Toàn bộ rác thải từ các công trình xây dựng, rác thải nạo vét kênh mương hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố và rác thải chỉnh đốn cây xanh sẽ được tập kết và xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.