Tại huyện Hương Khê, nhiều tuyến đường liên xã tại gồm: Hương Thủy, Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang, Điền Mỹ, Hương Trạch, Gia Phố… bị chia cắt, trong đó có gần 200 hộ dân và hàng chục hội quán thôn bị ngập, cô lập.
“Cảnh báo sạt lở tại các khu vực đồi núi, dọc bìa rừng. Đã yêu cầu sơ tán các hộ tại các khu vực này” – ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê cho hay.
Cùng với việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ, nhiều huyện, thành phố sẽ ngập nặng từ đầu giờ chiều đến tối nay.
Cụ thể, TP. Hà Tĩnh nhiều tuyến đường chính: Phan Đình Phùng, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Hàm Nghi, Lê Duẩn… ngập nặng, nhiều điểm lên tới 40cm. Giao thông bị tê liệt hoàn toàn, nhiều nhà dân dọc đường, vào các ngõ, ngách nước đã tràn vào nhà.
Tại huyện Thạch Hà, nhiều tuyến đường liên xã Thạch Đài, Thạch Xuân, Thạch Hương, Đỉnh Bàn, Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc, Tượng Sơn... đã bị ngập cục bộ. Lực lượng Công an huyện Thạch Hà đã tăng cường quân, cắm các biển báo tại các khu vực, điểm bị nước lũ chia cắt cấm người dân, mọi phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Trên địa bàn Hương Sơn những ngày qua mưa to đến rất to, mực nước tại sông Ngàn Phố dâng cao. Một số tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt. Tại cầu tràn từ Thị trấn Phố Châu bắc qua xã Sơn Giang, nước sông chảy mạnh băng qua tràn khiến giao thông bị chia cắt.
Tại huyện Vũ Quang, tại 3 xã vùng hạ du có 615 hộ dân bị cô lập. Trong đó, xã Đức Lĩnh có 3 thôn (65 hộ): Yên Du, Cừa Lĩnh, Mỹ Ngọc; xã Đức Giang có 3 thôn (400 hộ): 1, 2, 3 Bồng Giang; xã Đức Bồng có 3 thôn (150 hộ).
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động các phương án ứng phó, di dời dân, tài sản, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cũng trong sáng nay, trên tuyến quốc lộ 12C, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Sơn (H.Kỳ Anh) và tỉnh Quảng Bình xảy ra vụ sạt lở mái taluy, đất đá tràn xuống mặt đường khiến giao thông ách tắc cục bộ.
Một số tuyến đường giao thông và cầu tràn ở các xã Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn và Kỳ Thượng huyện này cũng bị ngập sâu. Tại các đoạn đường bị sạt lở và ngập sâu này, lực lượng chức năng huyện đã lắp biển cảnh báo cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn khiến nhiều nơi nước đã tràn vào nhà dân, trường học, công sở và đặc biệt là làm hư hại các loại cây hoa màu vụ Đông.
Tại Can Lộc, một người đàn ông đi đánh cá trong mưa đã không may bị mất tích. Theo đó, anh Trần Văn Doãn (SN 1984, trú tại tổ dân phố 9, thị trấn Nghèn) đi thả lưới bắt cá tại cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Thiên Lộc, Can Lộc). Khoảng 20h cùng ngày, người nhà không thấy anh Doãn về nên tổ chức đi tìm kiếm.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, lũ trên các sông lớn trên địa bàn có khả năng lên trên mức báo động 3, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn và ngập lụt sâu kéo dài, trong khi thủy điện và các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn đang đồng loạt xả tràn để điều tiết lũ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện yêu cầu các địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu.