Thấy bèo tây là muốn trừ khử
Với người dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), sau mỗi trận mưa lũ trên các con sông Nghèn, sông Ba Nái ngập tràn “lũ giặc” bèo tây – muốn trừ khử chúng đi nhưng thật khó vì sức đẻ của loại bèo này cực nhanh. “Chỉ trong một thời gian ngắn, bèo sinh sôi nảy nở thành từng mảng, kết thành thảm dày, ken đặc mặt nước, gây ra hàng loạt hệ lụy cho người dân” – anh Trần Ngọc Dân, một người dân huyện này cho hay.
Anh Dân cũng cho biết, mỗi lần bèo tràn về, nước sông chuyển màu đục hơn. Không chỉ lấn chiếm mặt nước, bèo tây còn gây ra rất nhiều phiền toái. Mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng lên, bèo tây tràn vào ruộng, bèo phủ kín các trạm bơm, bịt kín cửa hút, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến hàng nghìn héc-ta lúa của dân.
Lâu nay, bèo như lũ giặc nay bỗng chốc trở thành cây kiếm bộn tiền cho người nông dân. Mấy hôm nay, dù thời tiết nắng nóng, nhưng trên sông Nghèn (Can Lộc), rất nhiều người dân đang dầm mình vớt bèo tây bứt lấy thân đem phơi khô để bán lấy tiền. Đây là công việc khởi đầu khá lạ lẫm với người dân nơi đây. Bởi từ trước tới nay, chưa bao giờ họ nghĩ loài cây dại này có thể bán lấy tiền.
Hiện, giá mỗi kg thân bèo đã bỏ lá, bỏ rễ, rửa sạch phơi khô từ 9.000 - 11.000 đồng. Mỗi ngày, một người dân đi hái bèo có thể kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng. Số tiền đó với người nông dân lúc nông nhàn là rất quý, nhất là không phải gieo trồng mà chỉ việc đi thu hoạch từ trong tự nhiên rất dồi dào.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Lộc và Quang Lộc (huyện Can Lộc) cho biết, cách đây 5 năm, khi biết ở tỉnh Ninh Bình người ta đã sử dụng cây bèo tây là nguyên liệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nên ông Hiệp đã 2 lần lặn lội ra tìm hiểu với ý tưởng đưa mô hình này về Hà Tĩnh giúp nông dân vừa có thu nhập, vừa ngăn chặn được nó xâm lấn ruộng đồng.
“Mặc dù đã tìm mọi cách để kết nối với các cơ sở, nhưng vướng mắc ở chỗ tôi không phải là doanh nghiệp mà chỉ là một ông giáo. Vì không có tư cách pháp nhân nên không ai ký hợp đồng với tôi. Để triển khai, tôi còn thiếu rất nhiều thứ như: Vốn, phương tiện thu gom/ vận chuyển, hệ thống kho bãi...” - ông Hiệp bộc bạch.
Đến ý tưởng xây dựng làng nghề
Nay ông Nguyễn Quốc Hiệp vui mừng chia sẻ: “Mới đây, khi biết chị Hồ Minh Nguyệt ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chuyên xuất khẩu sản phẩm thủ công mây tre đan sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nên hai chị em đã gặp gỡ và cùng ý tưởng học hỏi, tìm đơn hàng để xuất khẩu sản phẩm thủ công từ bèo tây. Giờ đây, ý tưởng đã thành hiện thực khi đã có được đơn hàng xuất khẩu”.
Bước đầu, doanh nghiệp của chị Nguyệt đang thu mua bèo đưa về kho dự trữ, sau đó sẽ đào tạo nghề cho người dân và tiến hành sản xuất. Hiện nay, chị Nguyệt đã thu mua bèo ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Can Lộc; sắp tới sẽ triển khai đến tất cả các huyện trong tỉnh có bèo.
“Trước mắt, tôi sẽ xin địa phương cử một số người khéo tay vào Cẩm Xuyên để học những kỹ năng cơ bản, dễ làm. Quê tôi có nghề chằm tơi (may áo tơi, một loại áo chống nắng được may từ lá cọ) nên người dân đã quen tay, quen việc, giờ chuyển sang làm đồ mỹ nghệ sẽ rất thuận lợi” - ông Hiệp nói.
Sau đó, sẽ cử một số người khéo léo đi các tỉnh có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống học hỏi nâng cao tay nghề, về đào tạo lại cho bà con. Sản phẩm mỹ nghệ từ bèo rất đa dạng, bao gồm các loại giỏ xách, thùng đựng, đồ gia dụng, các loại rổ rá, tấm thảm... Rồi đây, bèo sẽ không còn là bèo nữa, nó sẽ trở thành những dụng cụ thiết yếu và có mặt trong rất nhiều hộ gia đình ở địa phương.
“Khi biết chúng tôi thu mua cây bèo phơi khô, người dân rất phấn khởi, họ bắt tay ngay vào hái bèo luôn. Nhất là trong bối cảnh đây là thời điểm nông dân nhàn rỗi, đồng thời ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều đang mất việc, cần có thêm thu nhập” - ông Hiệp cho biết.
Cũng theo ông Hiệp, khi biết Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Mỹ Lộc, Quang Lộc thu mua cây bèo, một số lãnh đạo xã, hội phụ nữ xã đã liên hệ với ông để nhận bán bèo kiếm thu nhập cho hội viên và gây quỹ cho hội. Có những địa phương còn chia sẻ ý tưởng sẽ khoanh nuôi, giữ nguồn nguyên liệu này để bán lâu dài.
Chị Hồ Thị Minh Nguyệt cho biết, với mong muốn gây dựng thành một làng nghề thủ công từ bèo tây cho Hà Tĩnh, khi nơi đây có nguồn bèo rất dồi dào nên bà vừa liên kết với một nghệ nhân ở Thanh Hóa để làm sản phẩm thủ công từ cây bèo tây.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Tĩnh, cây bèo tây được sử dụng trở thành sản phẩm xuất khẩu. Theo kế hoạch, một tuần nữa lô hàng đầu tiên là sản phẩm thủ công từ cây bèo tây ở Hà Tĩnh sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.
Một lãnh đạo huyện Can Lộc thông tin: “Hiện nay có chỗ thu mua bèo để gia công đan lát hàng xuất khẩu. Huyện đã chỉ đạo các xã phát động các đoàn thể tổ chức vớt bèo gây quỹ cho hội. Hướng sắp tới, huyện sẽ giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ lớp đào tạo nghề, mở các cơ sở sản xuất trên địa bàn”.