Hà thành “đệ nhất” lưỡi câu

Hà thành “đệ nhất” lưỡi câu

Nghề làm lưỡi câu tưởng đơn giản, nhưng nếu để ý kỹ mới thấy đầy công phu và ẩn chứa triết lý trong đó.

Giới câu cá đất Hà Nội không ai không biết đến anh. Là người am hiểu tập tính của cá, lại có đôi tay khéo léo cùng một thời gian rèn giũa khổ ải với nghề nên bây giờ, nhiều người đặt cho anh biệt danh “vua lưỡi câu”. Chẳng biết cái danh ấy có đúng hay không, nhưng cứ “soi” lại cái nghề làm lưỡi câu cũng đủ thấy anh là người tâm huyết.

Hà Nội còn một thứ nghề

Ở Hà Nội bây giờ không quá hiếm đại lý bán lưỡi câu. Nhưng số nhiều, đều là lưỡi câu vạn cái giống nhau bởi được dập bản từ khuôn máy mà ra. Duy chỉ có một người được gọi là “vua lưỡi câu” làm hoàn toàn thủ công. Đó là anh Bùi Đức Minh, nhà khuất trong một con ngõ nhỏ đường Hoàng Hoa Thám gần đền Đống Nước.

Anh Minh tự giới thiệu mình là người gốc Hà Nội, tổ tiên định cư ở đây dễ cũng 300 năm có lẻ. Thế nên, Hà Nội có thứ nghề gì anh cũng rành rẽ. Vậy mà xưa ở Hàng Thiếc, Hàng Đồng bán đủ thứ liên quan kim loại lại thiếu hẳn lưỡi câu. Thành ra, nghề này giống như đứa con bị bỏ quên, để cho bao nhiêu đời thợ làm lưỡi không lưu được danh gì với Hà Nội 36 phố phường.

“Từ ngày xưa, người Hà Nội đã chuộng câu cá. Cũng có những cơ sở, thợ làm lưỡi câu giỏi hành nghề. Nhưng mấy chục năm trở lại đây, cái nghề này gần như tuyệt chủng. Thay thế những lưỡi câu thủ công là lưỡi câu hiện đại do máy móc làm ra”, anh Minh cho hay.

Bản thân anh Minh và những người bạn trong phố cũng mê câu cá và trở thành những tay sát cá. “Thời đó, mình thường bắt chước mà tự làm lưỡi câu từ đủ loại chất liệu. Có khi làm từ cái phanh xe đạp, lúc lại lấy cái lò xo mà uốn cho thẳng ra rồi chế tác. Thế rồi thành nghề lúc nào chẳng hay”, anh Minh tâm sự.

Anh bỏ đi phần khấc sắt để cá không bị đau đớn.
Anh bỏ đi phần khấc sắt để cá không bị đau đớn.
Loại lưỡi chùm bộ lục.
Loại lưỡi chùm bộ lục.

Triết lý từ cái lưỡi câu

Bên hiên nhà cấp bốn trong con ngõ nhỏ gần đền Đống Nước, tưởng người làm lưỡi câu chỉ biết lọ mọ những gõ với đập vào dây thép cứng cho thành cái móc. Ai ngờ, cái nghề ít người quan tâm lại cũng lắm những triết lý lẫn thông điệp.

Rằng, như lời anh Minh nói, xưa Khương Tử Nha dùng lưỡi câu thẳng mà ngồi bên hồ. Người qua đường thắc mắc, Tử Nha trả lời: “Lưỡi câu thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ”. “Tôi cho rằng đấy chỉ là giai thoại, còn cái việc câu cá tất phải dùng câu móc, cái vấn đề là đừng làm cho con cá bị đau”, anh Minh chia sẻ.

“Cái sự đau” của con cá dính câu không phải là nó bị lừa ăn mồi. Theo anh Minh, câu cá cũng cần nhân đạo. Vì thế, những lưỡi câu anh làm không cái nào có khấc ngược. Khấc ngược của lưỡi chính là mẩu sắt nhô ra, hòng làm con cá không thoát ra được khi cắn mồi. Anh làm lưỡi câu trơn, để khi thợ câu bắt được cũng dễ dàng tháo lưỡi ra khỏi miệng cá.

“Câu cá là một thú giải trí tao nhã. Người câu cá thường luyện cho mình tính kiên trì, bền bỉ và cũng rất nhân đạo. Lưỡi tôi làm ra nếu câu được con cá nào mà không muốn bắt, vẫn có thể thả ra vì lưỡi câu không có khấc sắt gây đau đớn cho cá”, anh Minh khẳng định.

Là thợ làm và bán lưỡi câu, nhưng khách hàng nào đến anh cũng ôn tồn dặn chỉ bắt những con cá nào nên bắt, con nào không đáng thì thả ra. Với anh, trong cái sát cũng có cái sinh. Tuy nhiên, không phải người câu cá nào cũng biết điều ấy nên anh phải dặn đi dặn lại.

Hà thành “đệ nhất” lưỡi câu ảnh 3
Các loại lưỡi câu được anh chế tác rất tinh xảo.

Lưỡi nhỏ bắt thủy quái

Câu cá không chỉ là môn thể thao rèn tính bền bỉ. Khi câu cũng là ngồi thiền. Vì vậy, người thợ làm lưỡi câu cũng cần hiểu tập tính của cá để chế tác những loại lưỡi chuẩn mực. Với tôi, làm ra bộ lưỡi câu thì dễ, nhưng làm được bộ chuẩn và giúp người câu hiểu được mục đích câu mới là khó. Anh Bùi Đức Minh

Anh Minh khẳng định: Ở Hà Nội bây giờ, anh là người duy nhất còn làm lưỡi câu bằng phương pháp thủ công. Số lưỡi câu mỗi ngày anh làm ra không nhiều, cùng lắm chỉ được 5 bộ mà thôi. Nhưng loại lưỡi câu làm thủ công ấy lại có khả năng bắt được những loại cá to không tưởng.

Mỗi sáng thức dậy bắt tay vào việc, anh Minh lại chọn những loại thép từ 0,6 – 1,5 li rồi cắt ra từng đoạn. Với tay nghề rành rẽ, chỉ cần động tác nhẹ là đoạn thép đã thành hình lưỡi câu. Nhưng đó mới là khởi đầu, với cái búa cái đe, anh đập dẹt rồi lại làm tròn cái lưỡi.

Với mấy lần hơ trên lửa đỏ, lại nhúng nước rồi mài giũa trên cục đá thô, cái lưỡi câu đã đủ đầu nhọn, đầu tù. Đầu tù đập dẹt chứ không khoan lỗ xỏ dây như lưỡi câu công nghiệp. Sau hết, người thợ mới chia ra từng loại: Lưỡi đơn hoặc lưỡi chùm. Lưỡi chùm cũng có vài loại, nhưng anh Minh tạm phân ra hai loại chính: Bộ tứ và bộ lục.

Lưỡi chùm được xếp khít vào khe của một cục chì nhỏ rồi lấy dây đồng mềm buộc chặt lại bảo đảm thẩm mỹ. Loại thép 1,5 li đã coi là to nhưng cũng chỉ là lưỡi câu cho loại cá chục cân. Ấy thế, với bàn tay khéo léo tôi thép trên lửa, lưỡi câu mà anh Minh làm ra được dân câu gọi là bắt thủy quái.

“Nói là thủy quái thì hơi quá, nhưng lưỡi câu của tôi có thể bắt được loại cá 50kg chứ không thường, trong khi lưỡi câu công nghiệp không thể làm được điều ấy. Cho nên, những người đi câu chuyên nghiệp thường đến chỗ tôi đặt những loại lưỡi chuyên dụng như thế”, anh Minh cho biết.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, khách đến nhà anh, quanh năm suốt tháng toàn là những người đam mê câu cá, thi thoảng mới có vị khách không liên quan tới nghề. Họ đến với anh, không phải chỉ để mua lưỡi câu, mà còn nghe anh nói về những sâu sắc của bộ môn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.