Hạ

Hạ

(GD&TĐ) - Hạ nói với tôi, em luôn ám ảnh về những giấc mơ về mùa hạ. Không biết có phải em tên là Hạ nên nỗi ám ảnh về những cơn mưa mùa hạ luôn túc trực trong em hay không, mà em luôn nghĩ và viết về mùa hạ em cũng không biết nữa. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là em  luôn bị chi phối bởi nó và luôn gặp những điều linh diệu bởi mùa hè.

Em gửi cho tôi trang nhật ký mà em viết cho ngày sinh nhật của mình. Tôi là người yêu văn chương, nhưng không quen viết văn thơ, nhưng đọc em, tôi có cảm giác em đã đi vào sự linh diệu của văn chương và thơ ca lúc nào không hay. Tất cả đã và đang vận vào em, như một điều kỳ diệu và cần thiết, ít ra là để em say và đắm chìm vào nó, quên đi những nhọc nhằn và thất bại trong cuộc đời của mình:

... “...Sinh nhật lần thứ 18.Tôi bắt đầu nghĩ đến những giấc mơ tinh khôi của mình. Chưa bao giờ tôi thấy đất trời trong veo và xanh ngắt như thế. Hình như tất cả màu xanh của vũ trụ được dồn lại cho ngày hôm nay. Bầu trời được đẩy lên cao hơn, và cái gió được dịp tung tẩy, buông tuồng manh mẽ phóng khoáng hơn. Gió thỏa sức vờn mây, khiến cho những làn mây không thể tụ lại để làm mưa làm dịu đi cơn khát cháy của cỏ và dòng sông. Chỉ có con đường là vẫn tăm tắp, vươn mình về phía trước, để đón những cơn giông. Phía xa xa, những tia chớp ì ùng từ xa vọng lại. Nhưng chúng cũng chỉ đủ gieo vào không gian những âm thanh xa xăm như vậy mà không thể  đủ sức làm một trận mưa rào.

Mùa hạ.

Lạ nhỉ? Giông tố, mưa rào, bão chớp…vậy mà mình vẫn thích mùa hạ.

Chợt nhớ, hồi vào lớp 10, bạn trao cho mình chùm phượng đỏ. Mình để cho ngăn bàn và quên mất không mang về. Chùm phượng đỏ rực nỗi nhớ ấy bây giờ biết ở đâu mà tìm lại?

Mình đã đi tìm bông phượng đỏ rực nỗi nhớ đầu đời ấy trong mấy năm qua, mà không thể tìm được. Bây giờ bạn đã rời xa. Ở phương Nam chói chang, sắc phượng có còn đỏ để bên bạn mãi không quên cái nhìn bâng quơ gieo nỗi nhớ đầu đời?

Mà sao Trịnh Công Sơn lạ đặt tên cho một ca khúc là Hạ Trắng nhỉ?  À, mình hiểu ra rồi, nhạc sĩ đã giải mã cho tình yêu bởi sắc màu là lạ này. Tác giả đã “gọi nắng” trên vai thiếu nữ để nhận ra “lối em đi về mình đâu có hay”. Nhận ra sắc nắng mà sao không thể nhận ra sự trượt rơi những kỷ niệm trên vai thiếu nữ?

Mình không hiểu nhưng thích nhạc Trịnh bởi sự giải mã  rất vu vơ như thế!

Mình tên là Hạ. Cái tên gọi mùa đã bao lâu? Biết bao thi nhân đã dùng mùa hè để cho thi hứng sống dậy cùng những tác phẩm để đời? Khi Phạm Tiến Duật mô tả “quả nhót đỏ như ánh đèn tín hiệu/ trỏ lối sáng mùa hè”, thì Hữu Thỉnh lại bâng khuâng bởi “có đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu...”...

Nếu có chàng trai nào đó bị chìm trong ánh mắt xanh biếc tựa ao thu của một nàng thiếu nữ thì mình tin rằng sẽ có một hoàng tử trong truyện cổ tích cũng bị thiêu cháy bởi tình yêu rực cháy ấm nồng của một nàng công chúa!

Mình hiểu ra, sự nhiệt thành và đam mê cháy bỏng mang cái tên của Hạ!

Bất chợt mình nhớ đến câu chuyện về một cô gái bị phụ tình trong một câu chuyện cổ tích.  Cô đi về phía mặt trời. Mặt trời hướng cô ra biển. Biển như chiếc quạt kỳ ảo ngũ sắc khi bình minh lên. Biển kéo giấc mơ xa xăm về gần con người hơn. Biển gọi nỗi nhớ qua tiếng u u…của vỏ ốc tù và. Cô gái đã lắng nghe tiếng sóng. Nghe trong tiếng gọi bình minh một nỗi niềm của mùa hạ. Cô cảm nhận được tình yêu lớn trong lòng đại dương, qua những bờ cát trắng trải dài, qua sự nhọc nhằn  của bước chân chài lưới, qua vệt lan xanh bám bờ cát của loài rau muống biển….Không thể không làm được. Khi con người nhận ra sự diệu kỳ của biển cả đất trời và thu nhận sự tinh khôi, huyền diệu mà vũ trụ  ban cho con người.

Nhưng chỉ khi con người mang trái tim mùa hạ, cháy bỏng và say đắm, mới cảm nhận ra điều này...

Đó là lý do mà cha mẹ sinh ra và đặt tên mình là Hạ. Mình tin như vậy…

Tại sao lại không tin, khi vào thời khắc này, mình đã cùng mùa Hạ đi qua 18 năm, tuyệt đẹp và mộng mơ, huyền diệu nhất của cuộc đời...”.

Mùa hạ. Giờ thì tôi tin rồi. Bởi em nói đúng. Em mang 18 mùa trên vai để gánh những giọt nắng vàng. Và em đã mang sự huyền diệu trong mùa để trao cho một tình yêu bất tử.

Điều đó mùa hạ đã làm được. Còn em,tại sao không?

H.L

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...