Ngành Y tế “tuyên chiến” với chất thải nhựa

GD&TĐ - Đánh giá về vấn đề rác thải gây ô nhiễm trên toàn cầu, nhiều tổ chức trên thế giới và Việt Nam đã nhận định: khối lượng rác, đặc biệt là rác thải nhựa và nilon ngày càng lớn của cư dân đã và đang là thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu. Để chung tay giải quyết vấn đề này, ngành y tế đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh trong ngành.  

Chất thải nhựa phát sinh trong các hoạt động y tế.
Chất thải nhựa phát sinh trong các hoạt động y tế.

Cùng với sự phát triển kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ, kèm theo đó là cuộc xâm lấn của đồ nhựa, trong đó có một phần lớn là đồ nhựa dùng một lần.

Ống hút, cốc thìa, chai, hộp xốp… đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng vì sự tiện lợi, chi phí rẻ, thuận tiện cho lưu trữ, đóng gói, mang, xách... Tuy nhiên, lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người và sinh vật.

Bên cạnh rác thác thải nhựa trong sinh hoạt thì rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động y tế cũng ảnh hưởng lớn tới môi trường. Với đặc thù của ngành y tế, bệnh nhân vào bệnh viện thường đi kèm theo từ 1-2 người nhà, lượng rác thải sinh hoạt từ bệnh nhân, người nhà người bệnh cùng với rác thải liên quan đến y tế khá lớn. Trong đó, phần lớn chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. 

Các cơ sở y tế sử dụng túi giấy thay thế túi nilon để đựng thuốc.
Các cơ sở y tế sử dụng túi giấy thay thế túi nilon để đựng thuốc.

Ngoài ra, sự ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm.., góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

“Tuyên chiến” với chất thải nhựa

Để chung tay giảm thiểu chất thải nhựa bảo vệ môi trường, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 với nhiều biện pháp được đưa ra như khuyến khích tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống nếu có thể; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ bao gói đựng thuốc làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị…thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động và Chỉ thị 08/CT-BYT của Bộ Y tế, các đơn vị y tế tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu lượng chất thải y tế nói chung và chất thải nhựa nói riêng phát sinh ra môi trường.

Tại Hà Nội, Sở Y tế và Công đoàn ngành y tế thành phố đã ban hành Kế hoạch số 3207/KH-SYT-CĐN ngày 1/8/2019 về phát động phong trào chống rác thải nhựa trong ngành y tế. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc có các giải pháp để thực hiện phù hợp với thực tế của đơn vị.

Các cơ sở y tế sử dụng túi giấy thay thế túi nilon để đựng thuốc.

Các cơ sở y tế sử dụng túi giấy thay thế túi nilon để đựng thuốc.

Cụ thể, từng đơn vị phổ biến, phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa qua các kênh truyền thông của đơn vị, tờ rơi…cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.

Tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, tăng cường phân loại để thu gom tái chế, chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của trong đơn vị. Thực hiện tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị.

Tại một địa phương khác là Bình Định, ngay từ những tháng cuối năm 2018, các cơ sở y tế trong tỉnh đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” và túi ni lông khó phân hủy.

Trong bốn tháng từ 12/2018 đến tháng 03/2019, các cơ sở y tế tỉnh Bình Định đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500kg chất thải nhựa có thể tái chế. 

Với trên 270 cơ sở y tế và hơn 3000 giường bệnh, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn cũng đã vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến “Chống rác thải nhựa”.

Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa; các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ y tế tại đơn vị để hạn chế sử dụng chất thải nhựa.

Cùng với đó, các Trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh cũng nghiêm túc chấp hành nâng cao ý thức cho y bác sĩ và người bệnh qua việc treo khẩu hiệu tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại trạm..

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa y tế, thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục phối hợp tốt với các Sở ban ngành, địa phương trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý rác thải nhựa y tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…