Hà Nội: Xây dựng ngành Y tế thông minh với khả năng ứng phó dịch bệnh

GD&TĐ - Sáng 21/2, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm, chúc mừng Sở Y tế nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022).

Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng quà động viên cán bộ, y bác sĩ Bệnh biện Đa khoa Xanh Pôn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng quà động viên cán bộ, y bác sĩ Bệnh biện Đa khoa Xanh Pôn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở hiện có 78 đơn vị trực thuộc, gồm: 41 bệnh viện, 30 trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; 5 trung tâm chuyên khoa và 2 chi cục (579 trạm Y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh và 53 phòng khám đa khoa) với trên 26.000 công chức, viên chức và người lao động.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện tư nhân, hơn 3.000 phòng khám tư nhân và gần 10.000 nhà thuốc...

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Hà Nội là địa bàn phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 rất cao. Hệ thống y tế còn khó khăn cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Có phường 9 vạn dân mà trạm y tế chỉ 10 y bác sĩ, nhiều nơi chưa lắp đặt được hệ thống oxy nào... Để bảo vệ sức khoẻ người dân, thành phố phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, song song với nâng cao năng lực hệ thống y tế và tiêm vắc-xin...

“Ngay từ đầu Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo nhất quán quan điểm phải chuẩn bị với phương án cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là không để quá tải hệ thống y tế. Đến nay, chúng ta đã luôn làm như vậy và đã thành công…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm cao ngành Y tế, tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngày càng cao, hơn 99% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3.

Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành Y tế đã tham gia chiến dịch tiêm vét đối với những người chưa tiêm vắc-xin, người cao tuổi, người có bệnh nền, giúp giảm từ khoảng 115.000 người xuống chỉ còn khoảng 200 người. Hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến cơ sở đã có bước chuyển mạnh, đáp ứng yêu cầu điều trị ở mức cao.

Hiện nay, mặc dù số ca mắc tăng cao, có ngày lên tới 4.000 - 5.000 ca và số người đang được điều trị khá lớn (trên 100.000 người, trong đó 94 - 95% điều trị tại nhà), nhưng hệ thống y tế không bị quá tải, tình hình duy trì ổn định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, không chỉ thực hiện tốt vai trò nòng cốt, lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch, trong năm qua, hệ thống y tế Thủ đô đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Lưu ý phải tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Y tế thành phố chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trước mắt, thực hiện và hoàn thành đúng kế hoạch chiến dịch tiêm chủng Mùa xuân.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Hà Nội, ngành Y tế Thủ đô phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, triển khai mô hình y học gia đình nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải cho tuyến trên.

Cùng với đó, chú trọng triển khai các dịch vụ trình độ cao, kỹ thuật cao tại các bệnh viện. Nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo chất lượng, quy trình chuyên môn, phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng, gìn giữ hình ảnh y tế Thủ đô, nâng cao y đức theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như Mẹ hiền” xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng của người dân.

“Phải xác định đầu tư cho y tế là đầu tư cho sức khỏe, thể trạng nhân dân, vì một dân tộc Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, minh mẫn về trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định, Sở sẽ có giải pháp quyết liệt, có tính đột phá xây dựng hệ thống y tế vừa chuyên sâu vừa phổ cập. Qua đó, nâng cao hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, từ xa cho người dân, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, xây dựng ngành Y tế thông minh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.