Hà Nội: Vừa chớm hồi phục, "tiểu thương vỉa hè" lại tiếp tục lao đao vì Covid-19

GD&TĐ - Hơn 2 tuần sau lệnh cấm, nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội khá vắng vẻ. Không còn cảnh gánh hàng rong, bán trà đá vỉa hè… Nhiều cửa hàng kinh doanh đã đóng cửa...

Nhiều tuyến phố trở nên vắng vẻ, các hàng quán ngừng hoạt động do người dân lo ngại dịch bệnh lây lan.
Nhiều tuyến phố trở nên vắng vẻ, các hàng quán ngừng hoạt động do người dân lo ngại dịch bệnh lây lan.

Cho thuê, sang nhượng... giăng khắp phố

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội đã yêu cầu từ 1/8, tất cả các hoạt động kinh doanh đông người trên địa bàn như quán bar, karaoke, hàng quán vỉa hè… phải tạm thời đóng cửa. Các loại hình kinh doanh khác như nhà hàng, quán ăn… vẫn được mở nhưng phải thực hiện giãn cách đủ an toàn.

Covid-19 tái bùng phát đã giáng những đòn nặng nề lên "tiểu thương vỉa hè" và các dịch vụ lưu trú, khách sạn trên địa bàn TP Hà Nội. Điều này thể hiện rõ nhất tại mặt tiền khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm). Nhiều tuyến phố như Hàng Trống, Hàng Đậu, Hàng Mành, Lý Quốc Sư, Thợ Nhuộm, Nguyễn Văn Tố, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu... việc kinh doanh giảm mạnh. Đường phố vắng người, vỉa hè thông thoáng. Nhiều cửa hàng đóng cửa với các dòng thông báo như cho thuê, tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, sang nhượng cửa hàng...

Chị Nguyễn Thị Nguyệt phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhiều người đi thuê cửa hàng đều đã không trụ lại được sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên. 

“Với diện tích 24 - 25m2, gia đình cho thuê cửa hàng tại phố Hàng Bông là 22 triệu/m2. Người thuê chủ yếu kinh doanh quần áo, văn phòng. Chủ cửa hàng cũ đã thôi thuê được 2 tháng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, giá thuê chỉ còn 17 - 18 triệu/tháng, giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh...”, chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Tuyết kinh doanh ăn uống trên phố Hàng Đậu cho rằng, những người còn tồn tại được phần lớn là không phải thuê cửa hàng, tự kinh doanh tại nhà. “Mở cửa chỉ để giữ nhịp kinh doanh. Hiện khách vắng, người nước ngoài du lịch cũng không có. Kinh doanh ăn uống vô cùng khó khăn... Những tiểu thương thuê nhà để kinh doanh tại phố cổ với giá hàng chục triệu đồng khó có thể trụ được...”, chị Tuyết bày tỏ.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở du lịch Hà Nội cho biết, 7 tháng đầu năm, ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.426 tỷ đồng, giảm 35.468 tỷ đồng. Công suất trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 32.74%, giảm 37.16%.

Hà Nội: Vừa chớm hồi phục, "tiểu thương vỉa hè" lại tiếp tục lao đao vì Covid-19 ảnh 1

Không để quán nước vỉa hè hoạt động

Mới đây, Hà Nội tiếp tục có văn bản vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Đặc biệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo văn bản của Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý, Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Hạn chế tập trung đông người (không quá 30 người) tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Thực hiện khai báo y tế theo quy định. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Thành phố chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết. Hạn chế tập trung đông người trong việc hiếu, hỷ. Không để quán nước vỉa hè hoạt động.

Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách công cộng, lái xe và người trên xe phải đeo khẩu trang. Bố trí dung dịch sát khuẩn và thực hiện vệ sinh sát khuẩn tay. Các phương tiện vận chuyển hành khách phải được vệ sinh khử khuẩn theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị theo hướng hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người khi chưa cần thiết. Đặc biệt, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng. Tăng cường các hoạt động trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin. Không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp…

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính phải khẩn trương khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Tổ chức truy vết, xác định ngay các trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế.

Như vậy, sau hơn 2 tháng mở cửa kinh doanh, phố cổ (quận Hoàn Kiếm) vừa bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì Covid-19 tái bùng phát. Nó đã khiến nhiều tiểu thương gặp khó, đối mặt với nguy cơ phá sản. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.