Hà Nội: Đóng cửa cơ sở kinh doanh không thực hiện nghiêm phòng dịch Covid -19 

GD&TĐ - Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Các nhà hàng, quán ăn cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch Covid-19, nếu không thực hiện nghiêm sẽ phải đóng cửa.

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.
Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Chiều 17/8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Tham dự và chỉ đạo có ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 14-17/8, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mắc mới là bệnh nhân N.M.C (bệnh nhân 962), nam, 30 tuổi, nhân viên ngân hàng, địa chỉ tại số 6, ngõ 91 Nguyễn Văn Trỗi (Phương Liệt, Thanh Xuân) và bệnh nhân V.H.C, nữ, 25 tuổi, là nhân viên ngân hàng. Địa chỉ tại ngõ 147 Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân 962 ngày 8/8/2020.

Lũy tích đợt 3, từ ngày 25/7 đến nay, có 33 ca mắc chưa có tử vong. Trong đó, 10 ca ngoài cộng đồng và 23 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Hiện có 542 ca F1, đã được cách ly lẫy mẫu xét nghiệm; 541/542 có kết quả xét nghiệm, trong đó, có 2 dương tính (bệnh nhân 812 và V.H.C); 3.239 trường hợp F2 được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngành Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, tập trung hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho người đi Đà Nẵng về vào tuần này.

Về kiến nghị của quận Hai Bà Trưng với 12 hộ dân liên quan đến bệnh nhân 962, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị rà soát và khuyến cáo người dân theo dõi sức khỏe nếu không tiếp xúc trực tiếp, thông báo TTYT khi có biểu hiện bất thường.

Ngoài các biện pháp đang thực hiện, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiến nghị các địa phương cần tăng cường kiểm soát công tác phòng, chống dịch tại hàng quán; các bệnh viện cần phải kiểm soát chặt người ra vào, thăm thân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, phải nghiêm túc hơn trong việc cách ly các trường hợp F1, không để tình trạng lây lan như trường hợp bệnh nhân 962. Các địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc vận động nhân dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng; bán hàng nơi vỉa hè.

"Chỉ cần số ít người không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch thì cả cộng đồng sẽ phải vất vả. Để bẻ gẫy được chuỗi lây lan này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của từng người dân…", ông Trường nói.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá trong tuần qua, các quận, huyện đã quản lý chặt chẽ các ổ dịch trên địa bàn, nhất là rà soát các trường hợp F1 để tổ chức cách ly tập trung.

Thành phố cũng đang tích cực, phấn đấu đến ngày 20/8 sẽ hoàn thành việc xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng. Khẳng định rằng hiện nay thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, song ông Quý cho rằng với việc Hà Nội xuất hiện các ca thứ phát trên địa bàn thành phố vì thế nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong bệnh viện thì rất dễ lây chéo.

"Trong thời gian tới, có thể sẽ có ca mắc mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Dịch bệnh chưa có khả năng lây lan rộng trên địa bàn thành phố khi chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng chống" - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lưu ý.

Với diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.

Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Các nhà hàng, quán ăn cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch, nếu không thực hiện nghiêm thì phải đóng cửa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...