Hà Nội: Trường học đạt chuẩn là 1 khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

GD&TĐ - Xét về nhóm tiêu chí Văn hóa – xã hội – môi trường, Hà Nội có 386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giáo dục. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương tiếp tục được quan tâm đầu tư, công tác phổ cập giáo dục được đảm bảo tốt.

Giao ban báo chí của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 8/8
Giao ban báo chí của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 8/8

Xét về nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, với trường học, Hà Nội hiện có 313 xã đạt và cơ bản đạt, giảm 6 xã so với quý I năm 2017.

Thông tin này được bà Hoàng Thị Huyền - Phó chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội – chia sẻ trong buổi giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều nay (8/8).

Giáo dục là một trong nhiều tiêu chí để công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội quý II/2017, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, đến nay, Hà Nội có 2 huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội - một trong những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội là yếu tố cơ sở vật chất, trường học; theo đó, nhiều xã việc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới khó khăn vì trường học chưa đạt chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ