Hà Nội trong ngày đầu “mở cửa”

GD&TĐ - Từ 12 giờ ngày 16/9, một số cơ sở kinh doanh tại 19 quận, huyện “bình thường mới” đã hoạt động trở lại.

Chủ cơ sở kinh doanh phấn khởi trong ngày đầu mở cửa trở lại, tuy nhiên thực hiện nghiêm 5K.
Chủ cơ sở kinh doanh phấn khởi trong ngày đầu mở cửa trở lại, tuy nhiên thực hiện nghiêm 5K.

Tranh thủ kinh doanh sản xuất

Trưa 16/9, trên phố “ẩm thực” Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm), nhất là các địa chỉ quen thuộc như: Xôi Hồng, gà Thắng Xoăn, mỳ vằn thắn Mỹ Hạnh, phở bò gia truyền số 209… các thực khách tuân thủ giữ khoảng cách chờ mua hàng mang về.

Các chủ cửa hàng đều chủ động chuẩn bị sẵn hộp nhựa hoặc giấy cho thực khách mang đồ ăn về. Các cửa hàng văn phòng phẩm cũng mở cửa đón khách là phụ huynh và học sinh.

Chị Nguyễn Hồng Mai có con học tại Trường Tiểu học Gia Thụy, Long Biên, cho biết đã mua cơ bản đầy đủ vở và dụng cụ học tập cho con trước năm học mới. Trưa 16/9, trước thông tin các cửa hàng văn phòng phẩm mở cửa, chị tranh thủ cùng con đi mua thêm một số vật dụng còn thiếu.

Còn ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ cửa hàng sửa xe trên phố Nguyễn Biểu, chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được mở cửa trở lại. Sau khi hoạt động trở lại, tôi sẽ chấp hành nghiêm các quy định của thành phố để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Ông Trương Quang Luyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà, thông tin, không khí sản xuất tại nhà xưởng của Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà trong sáng 16/9 đã hoạt động bình thường.

“Công ty đã chuẩn bị và sẵn sàng cung ứng khoảng 120 triệu sản phẩm phục vụ cho năm học mới 2021 - 2022…”, ông Luyến chia sẻ.

Theo bà Đỗ Thị Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã cổ phần Cốm làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, phường vẫn có gần 10 lò cốm đang hoạt động với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm. Thời điểm này đang chính vụ cốm nên việc được bán hàng mang về đã tạo động lực để người dân làng nghề ổn định cuộc sống.

Được mở... phải giữ

Ông Tống Xuân Duy - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) - cho biết, từ 12 giờ trưa 16/9 phường đã thành lập các tổ công tác kiểm tra hoạt động bán hàng mang về, dịch vụ sửa xe được mở trở lại trên tinh thần nới lỏng nhưng không mất cảnh giác kiểm soát dịch bệnh.

“Qua kiểm tra tuyến phố “vệ sinh an toàn thực phấm” Duy Tân nơi có nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ chủ yếu công sở và hợp tác xác Cốm làng Vòng người dân rất chấp hành việc chỉ bán mang về...”, ông Duy nói.

Anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ quán cơm phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) - cho biết, chỉ bán hàng mang về không phục vụ tại chỗ. “Được mở lại hàng quán là niềm vui lớn. Tuy nhiên, được mở thì phải giữ an toàn phòng dịch Covid-19 để phục hồi kinh doanh buôn bán...”, anh Hùng chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Hoài Nhi - Chủ quán ăn 186 Quán Thánh, phường Quán Thánh (quận Ba Đình) - cho biết, người dân mong đợi cuộc sống trở lại ổn định cũng như mong muốn thành phố chiến thắng bệnh dịch nên rất hợp tác và chia sẻ chung tay cùng lực lượng chức năng. “Trước mắt thực hiện nghiêm việc chỉ bán hàng mang về để bảo vệ thành quả chống dịch...”, chị Nhi nói.

Chủ tịch UBND phường Liễu Giai (quận Ba Đình), ông Đặng Thành Công thông tin, một số dịch vụ được mở cửa trở lại từ 12 giờ ngày 16/9, thì cũng phải tăng cường tuyên truyền nhắc nhở phòng dịch, phục vụ nhân dân.

“Như trước đây, nhân dân được đi chợ, đi siêu thị thì bây giờ có thêm nơi đến mua mang về. Nhưng người dân cần hiểu đúng chủ trương của thành phố nới lỏng nhưng không lơ là phòng chống dịch, cần tuân thủ quy định “ai ở đâu ở yên đấy”. Còn lại tất cả công tác chốt trực vẫn phải kiểm soát chặt, đảm bảo đúng quy định của thành phố...”, ông Công nói.

Ông Công cho biết thêm, dù mở trở lại nhưng UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương.

Chị Hoa và cháu Ngân (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) đi mua đồ dùng học tập tại một cửa hàng sách, văn phòng phẩm trên phố Nguyễn Thái Học cho biết, do dịch Covid-19 nên các nhà sách, văn phòng phẩm bị đóng cửa, không thể mua được dụng cụ học tập cho con.

“Hôm 16/9, ngay khi được nới lỏng, tôi đã đưa cháu đi mua thêm đồ dùng học tập như bút, vở... những món đồ này không nhờ mua được...”, chị Hoa vui mừng cho biết.

Đại úy Nguyễn Quang Khải, Đội CSGT số 15, Phòng CSGT, tổ liên ngành Y12/141 trực trên đường Lạc Long Quân, cho biết, đã nhắc nhở người đi đường vẫn phải có giấy đi đường. “Chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội có hiệu lực từ sau 12 giờ trưa nhưng không vì thế người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy, Tây Hồ lợi dụng lấy lý do ra đường để mua đồ ăn…”, Đại úy Khải nhấn mạnh.

Trước đó (chiều 15/9), UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ 12 giờ ngày 16/9, đối với các địa bàn 19 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 16/9 được hoạt động một số cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.