Chiến dịch tiêm chủng này được thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm nguy cơ dịch sởi lây lan và hạn chế các biến chứng nguy hiểm từ bệnh sởi.
Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng sởi sẽ tập trung vào trẻ em từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, bao gồm cả trẻ em vãng lai trên địa bàn Hà Nội. Với mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin 95% cho nhóm trẻ này, chiến dịch sẽ triển khai tại 100% các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.
Chiến dịch sẽ bắt đầu từ tháng 2 và các tháng tiếp theo. Các điểm tiêm chủng sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ đủ 6 tháng tuổi và tiêm vét cho những trẻ từ 7 tháng đến dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin tại các trạm y tế, trung tâm y tế hoặc điểm tiêm chủng cố định khác. Các đội cấp cứu lưu động sẽ được bố trí tại điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời phản ứng sau tiêm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch sẽ được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi “sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi.
Tuy nhiên, một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... có nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.