Giá cả và chất lượng
Mới đây, trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (Hanoi.gov.vn), Sở TT&TT Hà Nội bắt đầu khảo sát ý kiến người dân về đài truyền thanh phường sau một năm thực hiện Quyết định số 5133/QĐ-UBND ngày 1/8/2017 liên quan đến Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Để tham gia cuộc khảo sát, người dân phải trả lời 5 câu hỏi, chia làm hai phần gồm câu hỏi chung và câu hỏi chi tiết; thời hạn cuối kết thúc vào ngày 25/10/2018.
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, nội dung khảo sát, lấy ý kiến tập trung vào 2 nhóm chính: Thực hiện giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận; Triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường. Kết quả đợt khảo sát lấy ý kiến này sẽ là căn cứ thực tế để Sở TT&TT tham mưu UBND thành phố xem xét, phê duyệt “Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn”, “Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường” và “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hồng - trú tại tổ 16 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, thiết bị thông minh có tác dụng truyền đạt thông tin từ phường xuống địa bàn khu dân cư, đến từng gia đình kịp thời, nhanh chóng. Chất lượng âm thanh, bản tin qua thiết bị thông minh tuy mới dùng thử nhưng tương đối hữu ích.
“Nhà trong ngõ sâu nên chất lượng âm thanh bị hạn chế. Không có nút điều chỉnh âm lượng nên muốn nghe to hay nhỏ rất khó. Nếu áp dụng đại trà trong dân cư mà được phát miễn phí, hoặc giá mềm thì chúng tôi sử dụng được chứ bỏ nhiều tiền ra để mua thiết bị thông minh trên thì sẽ khó khăn…” - bà Nguyễn Thị Mai Hồng chia sẻ.
Bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, phường được trang bị và triển khai thí điểm 50 điểm loa (thiết bị thông minh) tại 50 hộ gia đình. Thiết bị thông minh này có tên là M - GATEWAY do nhà mạng Mobiphone cung cấp, lắp đặt. Hình dáng, kích cỡ giống như một chiếc modem wifi, được lắp đặt miễn phí trong nhà dân. Thông qua các thiết bị thông minh này, người dân có thể nhận được thông tin của địa phương, các chương trình tuyên truyền của thành phố, quận và phường dưới dạng âm thanh tương tự như loa phường.
“Thông tin của phường phát qua hệ thống thông minh các buổi sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu trong tuần với thời lượng 15 phút. Trong giai đoạn thí điểm, có đến hơn 2/3 thiết bị thông minh thường xuyên hoạt động. Nhân dân đa số là đồng tình, còn lại số ít hộ gia đình vì lý do công việc, có lúc tắt thiết bị. Sau giai đoạn thí điểm, nếu xã hội hóa cung cấp thiết bị cho dân được thì tốt. Bởi nếu đắt tiền, không phải hộ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua...”, bà Yến cho hay.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cũng cho biết thêm, phường hiện có 10 cụm loa, sử dụng vào các đợt cao điểm tuyên truyền như phun thuốc diệt muỗi, chi trả lương… “Sau 1 năm thí điểm, thiết bị thông minh cho thấy ưu điểm so với loa phường cũ. Nhiều người dân khẳng định, hình thức này tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp nhận thông tin cơ sở và tích hợp được phương thức trao đổi hai chiều. Đồng thời, khi phát sóng, UBND phường cũng có thể kiểm tra được hộ nào đang mở máy hoặc tắt. Cơ bản nhân dân đồng thuận ủng hộ thiết bị thông minh và bỏ loa phường…” - bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Cán bộ phụ trách phát thanh UBND phường Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ.
|
Nên bỏ loa phường
Ông Phạm Gia Ngọc - Cán bộ văn hóa UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) lại cho rằng đại đa số người dân trong phường mong muốn bỏ loa phường.
Ông Ngọc lý giải, hầu hết người dân Thủ đô đều có smartphone, nhà nhà kết nối Internet, thậm chí tivi và nhiều đồ gia dụng khác cũng được kết nối mạng toàn cầu. Bởi vậy, nhiều thông tin qua loa phường không phát huy được hiệu quả, không còn tính thời sự; cán bộ văn hóa phường kiêm nhiệm phụ trách làm bản tin không chuyên nghiệp…
“Nhiều người tỏ ra khó chịu khi loa phường lanh lảnh vang lên vào lúc sáng sớm hay xế chiều. Bởi nhiều gia đình có người già, trẻ nhỏ hay đặc thù công việc cần yên tĩnh mà loa phường vẫn cứ “hồn nhiên” oang oang trên cột điện thì thật khó chịu… Bởi vậy nếu bỏ loa phường và thay thế bằng một thiết bị thông minh để truyền tải chủ trương của thành phố, quận, phường đến từng người dân thì quá tốt, nhân dân hưởng ứng ngay…” - ông Ngọc chia sẻ.
Mới đây, tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy với Sở Thông tin vào cuối tháng 9/2018, một số đại biểu đề nghị cần sớm đánh giá khách quan việc sắp xếp loa phường vì trên thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề. Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, người dân phản ánh “thiết bị thay thế loa phường được treo ở góc tường nhà và họ không bao giờ sờ đến, không hiệu quả”. “Trong khi đó lúc cần tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, một số nơi phải bắc loa vào xe đạp”, ông Quý nói và đề nghị Sở Thông tin đánh giá cụ thể chi tiết đến tận từng phường.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu “thực tế hơn một năm qua, thiết bị thay thế không phát huy tác dụng, có nơi thuê ông bán báo dạo, giao cho chiếc băng cassette rồi nhờ người đạp xe phát thông tin về phòng chống dịch bệnh”. Ông Phong đề nghị tính toán kỹ việc sắp xếp loa phường “không thể chủ quan duy ý chí”, không đơn giản chỉ là phương tiện kỹ thuật mà phải đặt nó trong tình huống phát triển xã hội.
“Tôi rất băn khoăn vì gần đây nhiều cán bộ các cấp, từ ông trưởng thôn trở lên đều nói đến 4.0. Tôi rất sợ kiểu tư duy 4.0 có nghĩa là Hà Nội đang ở 3.0 và chỉ ngày mai là chuyển sang 4.0. Trên thực tế không phải như thế, chúng ta có nhiều cấp độ, trình độ, điều kiện, khả năng sử dụng và thích nghi cũng rất khác nhau” - ông Phong nói.