Theo ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Cổ vật và Di sản Lam Kinh, quá trình đúc 100 trống đồng do 80 thợ tổ nghề truyền thống làm việc liên tục trong 8 tháng. Trống được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống theo nguyên mẫu 4 loại trống đồng Ngọc Lũ, Quảng Xương, Hoàng Hạ, Sông Đà. Mỗi chiếc trống có trọng lượng khoảng 60kg, đường kính mặt 60 cm, chiều cao 48 cm (chưa gồm chân và đế), khắc họa hình hai con rồng Khuê Văn Các bên hông và dòng chữ: “Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Ngoài ra, Ban tổ chức còn đúc 2 chiếc trống đồng lớn, một chiếc có tên gọi “Thiên Long hội tụ” với đường kính mặt trống là 1m, chiều cao thân trống là 79 cm, thân khắc họa 1000 con rồng thời Lý là món quà đặc biệt dành tặng chính quyền và nhân dân Thủ đô dịp Đại lễ; chiếc còn lại khắc họa 100 rồng dành tặng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để đấu giá từ thiện vì người nghèo dịp cuối năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Từ ngàn xưa, trống đồng là một kiệt tác văn hoá của dân tộc Việt Nam, là linh khí của ông cha truyền lại. Tiếng trống đồng thôi thúc muôn dân tiến ra trận tiền đánh giặc giữ nước. Và hôm nay, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, một lần nữa tiếng trống đồng lại vang lên chào mừng ngày Đại lễ đã đến gần, đó là những tiếng trống nói lên niềm vui, tự hào vô tận của tất cả chúng ta về một đất nước, một Thủ đô ngàn năm văn hiến.”
Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận tình cảm cao đẹp và việc làm đầy ý nghĩa của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Cổ vật và Di sản Lam Kinh, Công ty Hữu nghị Á Châu đã chung tay tổ chức sự kiện đặc biệt này, đó là món quà thiết thực, góp phần vào thành công chung của các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bí thư Thành ủy cũng khẳng định: “Màn trống Lạc Hồng nổi lên đúng dịp Đại lễ sẽ góp phần làm cho mỗi người dân Thủ đô, mỗi người dân đất Việt thêm tự hào về truyền thống văn hóa, anh hùng của ông cha và tiếp tục bồi đắp cao, dầy thêm truyền thống anh hùng đó”.
100 trống đồng sẽ được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến hết ngày 3/9, sau đó sẽ chuyển giao cho các nghệ sỹ để luyện tập và dàn trống đặc biệt này sẽ vang lên một lần duy nhất với tên gọi “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long” trong dịp Đại lễ.
Anh Thư