UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, tỷ lệ 1/500 tại các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm).
Theo quyết định, diện tích nghiên cứu lập đồ án thiết kế đô thị khoảng 41,16 ha. Diện tích khu đất lập đồ án thiết kế đô thị khoảng 30,26 ha; chiều dài tuyến khoảng 1,8 km.
Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời việc làm này cũng cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị H1-1C đã được UBND TP phê duyệt.
Bên cạnh đó đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ; kết nối hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, đặc biệt tại các khu vực tiếp giáp với các nút giao thông, các khu vực có ý nghĩa quan trọng; kết hợp giữa bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường với cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội.
Trên tuyến phố Lý Thường Kiệt hiện có dự án tại khu đất số 31 - 33 - 35 vẫn nằm “bất động” sau nhiều năm được giao đất.
Cuối năm 2022, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, đại biểu đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư sớm thực hiện xây dựng công trình trên khu đất 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt. Cùng với đó, đại biểu đề nghị công trình trên khu đất này phải đảm bảo quy hoạch kiến trúc theo quy định.
Khi đó, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết khu đất trên có tổng diện tích 2.245 m2, là địa điểm rất đặc biệt, có 3 mặt phố. Khu đất đang thuộc quyền sử dụng của một ngân hàng.
Tại khu đất này, chủ đầu tư đề xuất xây dựng trụ sở theo quy mô cao khoảng 45 m, tương đương hơn 13 tầng. Tuy nhiên, theo quy hoạch khu vực này không được xây quá 8 tầng.
Từ năm 2020, Sở QH&KT Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố về 2 phương án kiến trúc xây dựng ở khu đất trên.
Cụ thể, nếu triển khai theo phương án “điểm nhấn” sẽ phải nghiên cứu thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Còn nếu chủ đầu tư xây dựng công trình ngay thì phải tuân theo quy hoạch kiến trúc, không được cao quá 8 tầng.
Theo quy trình, những vấn đề liên quan đến quy hoạch, kiến trúc khu đất 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt sẽ phải trình Hội đồng Kiến trúc thành phố, mời các chuyên gia hàng đầu để góp ý, công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.