Hà Nội 'trảm' loạt dự án bất tuân pháp luật về đầu tư

GD&TĐ - Không chỉ kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, chính quyền TP Hà Nội vừa có những quyết định dứt khoát đối với những dự án bất tuân pháp luật về đầu tư.

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty quây tôn nhiều năm.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty quây tôn nhiều năm.

Với tinh thần, làm nghiêm để dân tin tưởng, động thái này của chính quyền Hà Nội được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Siêu dự án 30.000 m2 của “ông lớn” bị “khai tử”

Sở KH&ĐT Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 231 về việc chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi ở 151, 153 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ).

Theo quyết định thu hồi đã ký thì lý do chấm dứt hoạt động dự án là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong 6 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội. Đây là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn BRG. Dự án có tên thương mại là Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi.

Dự án vui chơi giải trí này nằm tại số 151, 153 Yên Phụ (quận Tây Hồ), quy mô khu đất gần 30.000 m2. Trước đó (năm 2018), TP Hà Nội đã duyệt quy hoạch cho dự án, với 8 tầng và mật độ xây dựng 80%. Theo quyết định chủ trương đầu tư của Hà Nội, công viên Hello Kitty dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ chiều 21/6 cho thấy, dự án vẫn là khu đất trống được quây tôn, phía bên trong nhiều cỏ mọc. Trước đó (năm 2016), Tập đoàn BRG và Công ty Sanrio Hong Kong đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển công viên giải trí với các nhân vật của Sanrio. Dự án được kỳ vọng là công viên giải trí trong nhà mang thương hiệu quốc tế đầu tiên tại Hà Nội.

Theo Quyết định 231 của Sở KH&ĐT TP Hà Nội, nhà đầu tư dự án có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra dự án chậm triển khai

Vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đông Anh, Đan Phượng, đề nghị kiểm tra một số dự án khu đô thị trên địa bàn đã có quy hoạch, thu hồi đất từ nhiều năm nay, nhưng đến nay chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.

Theo đó, kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng đề nghị kiểm tra các dự án khu đô thị: Vinalines và bất động sản Đan Phượng, khu đô thị Hồng Thái, đã có quy hoạch 14 năm song đến nay chưa triển khai.

Về việc này, UBND TP Hà Nội cho biết, Dự án Khu đô thị Hồng Thái đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư. Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư. Nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng...) theo quy định.

Trước đó (cuối năm 2022), liên ngành TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả rà soát các dự án nêu trên. Trong đó, đề xuất UBND TP Hà Nội giao Sở KH&ĐT chủ trì thanh tra, kiểm tra dự án, củng cố cơ sở pháp lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Trong đó có thể xem xét chấm dứt hiệu lực các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dự án.

Còn tại Thông báo số 06/TB-VP của Văn phòng UBND Hà Nội cho thấy, lãnh đạo UBND thành phố đã cơ bản thống nhất với nghiên cứu, đánh giá, phân loại của liên ngành thành phố và yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về khung tiêu chí pháp lý để thực hiện các thủ tục liên quan (chấm dứt, thu hồi) dự án.

Tương tự, dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại ô đất ký hiệu CT5 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2010, nhưng đến nay không triển khai. Về việc này, UBND Hà Nội cho biết, dự án được thành phố chấp thuận đầu tư tại Văn bản số 3135/UBND-XD ngày 24/7/2012, điều chỉnh tại Văn bản số 2019/UBND-XDGT ngày 12/1/2015.

Trong đó, thành phố chấp thuận Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Viglacera làm nhà đầu tư, tiến độ dự án từ quý I/2015 đến quý II/2017. Hiện, dự án chưa được giao đất và nhà đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư thuộc về Sở KH&ĐT Hà Nội. Liên quan đến việc thực hiện các quyền lợi sử dụng đất, trách nhiệm xem xét, giải quyết của UBND huyện Đông Anh, Sở TN&MT TP Hà Nội.

Trước những tồn tại trên, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở: KH&ĐT, TN&MT, UBND huyện Đông Anh rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, tham mưu, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét thu hồi dự án theo quy định.

Trước đó (3/2023), Sở TN&MT Hà Nội gửi các quận, huyện, thị xã công khai đối với 23 dự án UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất.

Hà Nội giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng. Đối với các dự án vi phạm sẽ bị cưỡng chế, thu hồi, bị chấm dứt hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.