Hà Nội tăng tốc tiêm chủng để thích nghi an toàn, đón đầu, ngăn chặn dịch Covid-19 

GD&TĐ - Bộ Y tế yêu cầu 5 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội phải hoàn thành tiêm mũi một vắc xin phòng Covid-19 trước 15/9.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quân Đống Đa
Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quân Đống Đa

Tuy nhiên nguồn vắc xin dành cho Hà Nội vẫn chưa thể đủ tiêm mũi một, và hiện đang chờ Bộ Y tế bổ sung thêm.

5 tỉnh, TP phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước 15/9

Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm đến 15/9 các địa phương phải hoàn thành xong mũi một. 

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, vắc xin phòng Covid-19 được ưu tiên phân bổ cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch. Đến nay, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ đủ số vaccine để bao phủ mũi một cho 100% người từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó tại Hà Nội, hiện chưa được phân bổ đủ mũi một và Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế trước khi tham gia tiêm chủng; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp. Đối với những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.

Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị. Tại các khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, TP tổ chức triển khai tiêm chủng phù hợp với tình hình dịch bệnh và coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay.

Hà Nội còn thiếu vắc xin để tiêm mũi một

Đề cập đến công tác triển khai tiêm vắc xin  trên địa bàn TP Hà Nội,  lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, dù đã đề ra kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, tốc độ tiêm chủng tại Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn vaccine phòng Covid-19 được phân bổ còn hạn chế. Tính đến hết ngày 5/9, toàn TP mới được tiêm được tổng cộng 2.302.387 mũi (2.072.787 mũi một; 229.600 mũi 2), tương đương 33,98% người dân trong độ tuổi tiêm chủng.   Như vậy, các điều kiện để TP đáp ứng tổ chức tiêm chủng an toàn với số lượng lên đến 200.000 mũi/ngày đã đảm bảo, nhưng trên thực tế thời gian qua, nguồn vắc xin cung chưa đủ cầu.

“Vắc xin về bao nhiêu, TP tổ chức tiêm bấy nhiêu, tuyệt đối không để chậm và lãng phí bất kỳ liều vaccine nào” – bà Lã Thị Lan - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện vẫn rất phức tạp khi nhiều ca bệnh rải rác trong cộng đồng, nhiều ổ dịch dù bước đầu đã được khống chế “nhưng chưa nói trước được điều gì”. TS Trần Tuấn - thành viên Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên bằng chứng khoa học cũng chỉ ra cái khó của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hiện chưa chủ động được nguồn vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho tất cả trường hợp trong độ tuổi tiêm chủng.

Hà Nội mới được Bộ Y tế phân bổ thêm 161.460 liều vắc xin phòng Covid-19 Comirnaty (Pfizer) và 800.700 liều AstraZeneca. Với đợt bổ sung vắc xin mới này, TP đang tổ chức tiêm chủng đợt 12 tại các quận, huyện trên địa bàn. Với công suất có thể đáp ứng theo kế hoạch (200.000 mũi tiêm/ngày), chỉ trong khoảng một tuần Hà Nội có thể tiêm hết toàn bộ số vắc xin được phân bổ trong đợt 12 này. Tuy nhiên, vì nguồn vắc xin đang nhỏ giọt, nên Hà Nội tổ chức tiêm theo ngày với số lượng cụ thể để đảm bảo giãn cách.

Theo tính toán của ngành y tế Hà Nội, nếu tới đây Bộ Y tế phân bổ thêm cho TP hơn 1,5 triệu liều vắc xin theo cam kết thì vẫn chưa đủ để phủ mũi một cho người dân 10 quận, huyện thuộc “vùng đỏ” hiện nay. Để phủ xong mũi một tại các quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn cần thêm 800.000 liều vắc xin. Còn nếu tiêm đủ mũi một cho toàn TP, Hà Nội cần thêm 2,5 triệu liều.

Ưu tiên  nhóm cao tuổi, có bệnh nền

Trong đợt tiêm vắc xin thứ 12 này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bổ sung thêm các đối tượng tiêm chủng bao gồm người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Riêng với nhóm phụ nữ mang thai, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Với nhóm này cùng các đối tượng ưu tiên chưa được tiêm ở đợt trước, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiêm mũi một với khoảng 80.730 liều vắc xin Pfizer.

Về đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội, theo Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, thời gian qua, Hà Nội vẫn tổ chức tiêm chủng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, với văn bản mới nhất, số người được tiêm vắc xin thuộc nhóm này dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Trước đó, nhiều chuyên gia dịch tễ cũng đã đề xuất Hà Nội cần ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền. Theo TS Trần Nam Trung – chuyên gia dịch tễ học, trong tình hình hàng trăm người tử vong mỗi ngày trên cả nước, và tình hình dịch vẫn đang lan rộng thì một chiến lược tiêm chủng hợp lý quan trọng hơn bao giờ hết.

“Đủ vắc xin thì dễ, thiếu vắc xin nên chính sách ưu tiên càng phải hợp lý vì nó là khóa chặn bệnh nặng/tử vong, giúp chúng ta sớm mở cửa trở lại”- TS Trần Nam Trung nhận định. Cũng theo ông, người cao tuổi và có bệnh nền là nhóm nguy cơ cao nhất cần bảo vệ trước tiên, và nên dành vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho nhóm nguy cơ này. “Chỉ có tập trung tiêm đủ 2 mũi cho nhóm nguy cơ cao này, chúng ta mới hy vọng tử vong sẽ giảm mạnh ở TP Hồ Chí Minh và ngăn được ca nặng và tử vong, tránh khỏi vỡ trận y tế ở các nơi khác khi dịch xảy ra” – TS Trần Nam Trung nhấn mạnh.

Về kế hoạch tiêm vắc xin cho nhóm người cao tuổi tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP đã và đang tiếp tục triển khai trên địa bàn. Trong những ngày qua, tại nhiều phường, xã, người cao tuổi đã được tiêm chủng thuận lợi, an toàn. Tới đây vaccine về nhiều hơn, số lượng bao phủ vắc xin sẽ tăng lên, người dân nên chủ động đăng ký tiêm chủng để phòng bệnh.

Thích nghi an toàn, đón đầu, ngăn chặn dịch Covid-19

Đây là vấn đề đang được nhắc đến nhiều ở thời điểm này, bởi thực tiễn cho thấy, giãn cách xã hội là một giải pháp đúng để kiềm chế dịch khi bùng phát nhưng cũng không phải cách có thể kéo quá dài, bởi ảnh hưởng không ít đến đời sống kinh tế, xã hội.

Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các địa phương cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong 1 - 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin.

Trong những cuộc họp trực tuyến toàn quốc với hơn 9.000 xã phường, xốc lại việc chống dịch hôm 5/9, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh đến việc xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp để sống chung với dịch, bởi nhìn từ thực tế trong nước cũng như thế giới, việc không chế tuyệt đối được dịch bệnh dường như đang là chưa thể.

Phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở; cộng với việc giãn cách xã hội để xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng sẽ bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các “vùng đỏ”, “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh”, tích cực điều trị… là những giải pháp phù hợp và mang đến hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cũng từ thực tế, việc triển khai các quy định về phòng, chống dịch, nhất là về giãn cách xã hội có lúc, có nơi  còn để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”… khiến hạn chế hiệu quả kiểm soát dịch. “Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”, đó là những quan điểm đã được đưa ra và cần các giải pháp dài hơi hơn, bởi chắc chắn không thể quét sạch tuyệt đối F0. Hơn nữa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội.

Hiện nhiều địa phương đã tính đến những phương án để nới lỏng dần như giãn cách theo từng phần, từng vùng, từng khu vực, để người dân ở những vùng an toàn có thể được tạo điều kiện tái hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hoặc tính đến phương án để mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine làm việc trong nhà xưởng, nhà máy, cơ quan…

Trong bối cảnh hiện nay và những kịch bản dự báo thời gian tới về diễn biến của dịch, của tình hình kinh tế - xã hội, rất cần những giải pháp để sẵn sàng "sống chung với dịch" thay vì chỉ “chạy theo dịch”. Việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn từ đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn… với mục tiêu, chiến lược, phương pháp để dần có thể thích nghi trong điều kiện có dịch là việc cần tính đến để có thể dần trở lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.

Hà Nội nỗ lực truyền thông để người dân tích cực thay đổi, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, bảo vệ mình, gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội trong  tâm thế, thói quen sống, hành vi, ý thức phòng, chống dịch  cao độ.

Chú trọng công tác xét nghiệm, TPhuy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh trong khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Từ ngày 06/9/2021 đến 12/9/2021, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn Thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần.

Tại khu vực có nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần.

Tại các khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Tăng cường các điểm lấy mẫu di động tại các xã, phường, thị trấn.

Sau ngày 12/9/2021: Tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.

Tiêm vắc xin được xác định yếu tố then chốt trong phòng, chống dịch, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đang nỗ lực tăng tốc, tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo quy định cho tất cả các trường hợp trong diện được tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn. Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “vắc xin tốt nhất là loại vắc xin được tiêm sớm nhất”. 

Hà Nội đang chờ các đợt phân bổ vắc xin tiếp theo để “phủ sóng” tiêm chủng mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 15/9/2021 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định. TP đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin,  cần tổ chức nhiều điểm tiêm; đưa các điểm tiêm đến gần người dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, thôn, khu phố. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy năng lực tối đa của các điểm tiêm chủng. Ưu tiên tiêm tại chỗ, tiêm cuốn chiếu, tiêm dứt điểm cho từng khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.