Hà Nội sẽ khống chế dịch sởi trong tháng Tư

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: Hà Nội đang rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch sởi để phòng chống đúng cách, không gây hoang mang cho nhân dân.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Theo Sở Y tế Hà Nội, 5 tháng qua thành phố ghi nhận được 1.118 trường hợp mắc sởi (tương đương năm 2008), trong đó riêng đầu năm 2014 là 1.108 ca. 

Quận Hai Bà Trưng hiện có số trẻ mắc sởi cao nhất (132 ca), tiếp sau là quận Đống Đa và quận Hoàng Mai (100 ca), quận Hà Đông (79 ca), quận Ba Đình (59 ca).

Trong số các bệnh nhân mắc sởi đã có 14 người tử vong rải rác ở 11 quận, huyện. Các bệnh nhân này thường mắc các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi, tử vong do đồng nhiễm nhiều loại virus khác nhau. 88% số trẻ mắc bệnh ở Hà Nội chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó có trẻ dưới 9 tháng tuổi

Tình hình dịch sởi lan rộng đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua, nhất là trên địa bàn Hà Nội. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Vì sao chưa công bố dịch? Hà Nội có phải là điểm “nóng” về dịch sởi?…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: Hà Nội đang rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch sởi để phòng chống đúng cách, không gây hoang mang cho nhân dân.

Ông Hạnh cho rằng sở dĩ có điểm “nóng” về dịch sởi vì các bà mẹ đã quan tâm tới con cái quá mức. Khi con nhỏ mới “hắt hơi, sổ mũi”, các bậc phụ huynh đã đưa đi khám vượt tuyến lên các bệnh viện uy tín của Trung ương dẫn tới quá tải bệnh nhân, gây ra tình trạng lộn xộn, khám chữa bệnh thiếu hiệu quả. 

Tình trạng này cũng đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn khi con nhỏ mới bị viêm phế quản nhẹ đã vội đưa đến bệnh viện - nơi có nhiều cháu mắc bệnh sởi nên đã bị lây nhiễm.

Theo thực tế, các chuyên gia thấy rằng, Hà Nội có khoảng 75.000 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh sởi, song thực tế có 1.108 ca - con số không cao so với dự kiến. 

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong chiếm 50% số ca tử vong trong cả nước song chỉ chiếm khoảng 1% so với số ca mắc bệnh, cũng chiếm tỷ lệ thấp.

Bên cạnh đó, ông Hạnh cho biết, Bộ Y tế vẫn khẳng định virus sởi không biến đổi gene và vẫn kiểm soát được dịch sởi ở cộng đồng. "Hà Nội vẫn kiểm soát được bệnh sởi, chưa cần công bố dịch", ông Hạnh nói.

Sở Y tế Hà Nội đặt kế hoạch trên 95% trẻ em được tiêm phòng bệnh sởi trong tháng 4. Cơ quan này cử cán bộ đến các quận huyện đôn đốc tiêm chủng để đạt tiến độ, phối hợp với tổ dân phố đến từng gia đình thuyết phục cha mẹ đưa con đi tiêm... 

"Nếu người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng thì đến hết tháng 4, dịch sởi sẽ được khống chế" - Ông Hạnh nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh hiệu quả nhất hiện nay là biện pháp tiêm vắc xin phòng sởi. Khi trẻ mắc những bệnh nhẹ nên khám ở tuyến dưới để giảm áp lực quá tải bệnh nhân tuyến trên, đồng thời phòng chống được lây nhiễm. 

Hiện nay, có khoảng 2 – 5% bà mẹ có tâm lý e ngại tiêm phòng không an toàn; 5-10% các cháu đến kỳ tiêm phòng nhưng bị ốm không thể tiêm cũng là mối đe dọa nhiễm căn bệnh này.

Thời gian gần đây, Hà Nội đã quản lý tốt dịch bệnh trong cộng đồng như sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm rõ rệt; dịch H5N1 không xảy ra… Để phòng chống dịch sởi, thành phố Hà Nội đang có nhiều giải pháp mạnh và quyết liệt hơn.

Theo đó, tới đây thành phố sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra, đồng thời tăng cường 30 cán bộ, bác sỹ để tiêm phòng sởi ngay tại cơ sở; trước mắt cung cấp, điều chuyển máy thở cho một số bệnh viện đông bệnh nhân như Thanh Nhàn, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Xanh Pôn. 

Thường trực Ban chỉ đạo chống dịch, đội cơ động chống dịch ứng trự cả ngày nghỉ, lễ, sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra. Thành phố đang chỉ đạo giao cho các sở, ngành liên quan dự trù kinh phí, tăng cường đầu tư cho công tác phòng chống dịch…

Theo VnMedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ