Theo ông Lê Quang Bình - Chủ tịch PPWG, đây là một mạng lưới kết nối mở với kỳ vọng sẽ trở thành nơi để bất kỳ ai yêu Hà Nội cũng có thể cùng chung sức, chung lòng vì những không gian công cộng xanh.
- Thưa ông, điều gì khiến PPWG thành lập và thực hiện một dự án không dễ dàng - cùng hành động “Vì một Hà Nội đáng sống” từ một vấn đề đụng chạm đến lợi ích của nhiều bên mà người dân còn thờ ơ như không gian công cộng?
Mọi người dù sinh ra và lớn lên ở đây hay là người nhập cư ngắn hay dài đều có những gắn bó với Hà Nội. Cá nhân tôi chứng kiến rất nhiều đổi thay của Hà Nội trong vài chục năm trở lại đây, ví dụ như mức sống của người dân tăng lên, số lượng khách du lịch quốc tế nhiều lên, và những không gian giải trí phục vụ cuộc sống về đêm tồn tại ở khắp nơi...
Bên cạnh những đổi thay tích cực đó, Hà Nội lại phát sinh nhiều vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, sự giảm sút của tỉ lệ những không gian xanh như công viên, hồ nước, quảng trường....
Chúng tôi đã trăn trở về những vấn đề này và mong muốn cùng hợp tác để đảo ngược xu thế tiêu cực, đặc biệt sự thu hẹp và biến mất của những không gian công cộng của Hà Nội. Điều này quan trọng vì nó khiến cho điều kiện được vui chơi ngoài trời của người Hà Nội trở nên khan hiếm.
Như tên của PPWG là Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân nên chúng tôi rất quan tâm đến sự góp sức của người dân vào các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố. Lâu nay, chúng tôi thấy nhiều người bày tỏ những tiếc nuối khi một cổng làng đập đi, một hồ nước… bị “khai tử”.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hơn sự tiếc nuối hoặc hoài cổ. Chúng ta cần những người yêu Hà Nội đưa ra giải pháp, hành động cụ thể để giữ lấy những không gian công cộng quý giá ấy.
Vấn đề này lớn, từng cá nhân riêng lẻ không tự làm được nên chúng tôi mong “Vì một Hà Nội đáng sống” sẽ trở thành một không gian chung kết nối mọi người với nhau, cùng chung sức vì sự phát triển bền vững, vì con người của Hà Nội.
- Hiện nay ở Hà Nội có khá nhiều nhóm, tổ chức thực hành những công việc khác nhau để thể hiện tình yêu của mình với Hà Nội. Vậy “Vì một Hà Nội đáng sống” có những hoạt động khác biệt gì để không bị trùng lắp với các nhóm, tổ chức khác, thưa ông?
Quả là chúng tôi đã phải tìm sự khác biệt trong hướng đi của mình để hoạt động của nhóm có ích, bổ sung cho các nỗ lực khác. Sự khác biệt ấy chính là cách tiếp cận vấn đề không gian công cộng.
Nhiều nhóm, tổ chức đang tiếp cận không gian công cộng từ góc độ quy hoạch, kiến trúc… còn chúng tôi hướng đến những vấn đề văn hóa, xã hội nhiều hơn. Điều này rất quan trọng vì tình yêu với một thành phố không chỉ là sự yêu quý các công trình vật lý, mà còn là cảm xúc có được do ký ức, lịch sử của từng cá nhân và cả cộng đồng gắn với công trình công cộng đó.
Khi tiếp cận từ khía cạnh này thì ứng xử với các không gian công cộng sẽ nhân văn hơn, có khuôn mặt con người hơn và chắc chắn sẽ hợp lòng dân hơn.
Một khác biệt nữa mà chúng tôi cũng muốn theo đuổi đó là đối thoại giữa các bên liên quan, cụ thể là chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ và mở rộng các không gian công cộng cho Hà Nội.
Qua vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chúng tôi mong muốn UBND thành phố Hà Nội rà soát lại các nhà máy cần phải di dời ra khỏi khu dân cư và thay thế vào đó là các không gian công cộng cho người dân.
Chúng tôi tin rằng, khi có đối thoại cởi mở, minh bạch và người dân đồng lòng lên tiếng thì chính quyền sẽ lắng nghe để có những quyết sách hợp lý cho cả doanh nghiệp lẫn nhu cầu người dân để từ đó tạo ra sự phát triển bền vững cho thành phố.
- Xin ông chia sẻ, đến nay, “Vì một Hà Nội đáng sống” đã và đang làm được những gì để đi đến mục tiêu của mình?
Chúng tôi còn rất… “trẻ”, vừa mới đi vào hoạt động được một năm và đang theo hình thức là mạng lưới kết nối những người yêu Hà Nội để cùng hành động “Vì một Hà Nội đáng sống”.
Chúng tôi đã bắt đầu bằng những việc truyền thông nho nhỏ như xây dựng clip về một runner chạy qua những không gian công cộng khác nhau của Hà Nôi như cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ, công viên, đường tàu… với thông điệp không gian công cộng cần để kết nối văn hóa, lưu trữ ký ức và lịch sử, để con người kết nối với nhau và với thiên nhiên.
Chúng tôi cũng làm nghiên cứu về chủ đề “Quyền đối với thành phố, không gian công cộng Hà Nội và sự tham gia của người dân” để có được kiến thức đáng tin cậy cho vận động chính sách cũng như vận động xã hội.
Gần đây nhất chúng tôi kết hợp với Nhóm Dân ảnh cấp 3 khóa 91 - 94 toàn Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Vì một Hà Nội đáng sống”. Những việc đó được chúng tôi gọi là “khởi động” để mời gọi mọi người cùng tụ lại, kết nối để cùng làm nhiều việc hơn nữa cho Hà Nội, vì Hà Nội.
Điều đáng mừng là đã có hàng trăm nghìn người xem những clip về không gian công cộng Hà Nội, hàng nghìn người tham gia triển lãm, và đã có những người đầu tiên liên hệ với chúng tôi vì họ muốn đóng góp cho “Vì một Hà Nội đáng sống”.
- Trong quá trình triển khai dự án, “Vì một Hà Nội đáng sống” có gặp những thách thức gì không, thưa ông?
Rất nhiều thách thức đã và đang đặt ra đối với “Vì một Hà Nội đáng sống”. Đó là việc tạo ra niềm tin của cộng đồng với dự án - một thách thức cần có thời gian, quyết tâm và kỷ luật để vượt qua.
Dù khó nhưng chúng tôi xác định phải làm bằng được, vì nếu không có niềm tin của cộng đồng thì sẽ khó lòng kết nối được mọi người. Tiếp đó là cách huy động nguồn lực - việc này được nhóm thảo luận rất nhiều.
Những hoạt động ban đầu, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Đại sứ quán Đan Mạch. Thế nhưng, để hoạt động bền vững, hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ nguồn lực từ bên ngoài mà cần huy động nguồn lực từ cộng đồng: Thời gian, công sức, kỹ năng, chuyên môn… và cả tài chính.
Thách thức này chỉ có thể vượt qua bằng uy tín của nhóm, chất lượng của hoạt động và những ý tưởng cụ thể, hữu ích, chạm tới nghĩ suy và tình cảm của mọi người thì mọi người mới cùng xắn tay chung sức.
Một thách thức nữa cũng rất quan trọng là làm sao có được sự tham gia của chính quyền, kết nối đối thoại ba bên: Người dân - thành phố - doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng mà chúng tôi muốn là thành phố thực hiện những chính sách đúng đắn trong việc mở rộng không gian công cộng.
Giống như Henri Lefebvre khẳng định: “Thành phố là một tuyệt tác tập thể” - nghĩa là thành phố không của riêng ai nên mọi người đều có quyền cũng như trách nhiệm dựng xây thành phố phát triển vì một cuộc sống vị nhân sinh.
- Để có thể làm tốt “nhịp cầu” giữa chính quyền – người dân và doanh nghiệp, “Vì một Hà Nội đáng sống” có những dự định gì trong thời gian tới?
Mọi việc của dự án “Vì một Hà Nội đáng sống” mới chỉ bắt đầu nên có rất nhiều việc muốn và cần làm, trong đó việc cần kíp nhất là mở rộng mạng lưới của mình, kêu gọi mọi người cùng tham gia.
Tôi nghĩ, trong xã hội có rất nhiều người yêu Hà Nội, đau đáu vì Hà Nội. Nhưng nếu chỉ một cá nhân hay một nhóm hành động thì họ sẽ cảm thấy cô đơn, lẻ loi nên khi cùng tụ họp, khi mọi người tìm được thấy nhau chắc chắn mỗi việc làm sẽ đạt được hiệu quả cao hơn và khả thi hơn.
Chúng tôi sẽ tích cực vận động xã hội quan tâm đến câu chuyện này để mọi người cùng lan tỏa thông điệp vì một Hà Nội đáng sống, tạo thành dòng chảy mạnh mẽ. Việc vận động này được thực hiện qua quá trình kết nối các nhóm làm nghệ thuật, hoạt động xã hội, hay các nhóm dân cư.
Chúng tôi hy vọng sự sáng tạo trong thông điệp sẽ giúp người dân cùng tưởng tượng về một Hà Nội xanh, mở, nhiều không gian công cộng để họ bước ra khỏi “hộp bê tông” như phòng ngủ, văn phòng, xe ô tô... để bay nhảy ngoài trời cùng hít thở, vui chơi.
Rất có thể tới đây chúng tôi sẽ tổ chức tháng vui chơi ở không gian công cộng để người dân thành phố tham gia vào các hoạt động ngoài trời.
Khi được trải nghiệm và hiểu ra giá trị của không gian công cộng, người dân sẽ đồng sức, đồng lòng tham gia cải tạo thành phố, kiến nghị tới thành phố nhu cầu được sống xanh, được hít thở “sạch” của mình để cùng mở rộng không gian công cộng.
Đây là vấn đề lớn nên ngoài chính quyền và người dân thì cần sự hợp tác của chuyên gia, báo chí truyền thông, các hội đoàn để tìm ra tiếng nói chung.
Chúng tôi vẫn hay hỏi khi đi xa khỏi Hà Nội mọi người nhớ nhất điều gì? Đa số các câu trả lời đều gắn liền với không gian công cộng, cụ thể là cuộc sống ở trong các không gian công cộng.
Vậy nên, một thành phố phát triển không thể chỉ là những chung cư cao tầng mà còn phải là những không gian công cộng. Đây là lý do mà chúng tôi mong muốn kết nối mọi người yêu Hà Nội cùng chung tay xây một Hà Nội đáng sống, một Hà Nội có nhiều không gian công cộng cho tất cả mọi người.